(TAP) - Hiện nay, nhiều đối tượng thu hồi nợ lợi dụng mạng xã hội như một công cụ để thực hiện các hành vi trái pháp luật, đặc biệt là công khai hình ảnh và thông tin cá nhân của con nợ với mục đích làm nhục, gây sức ép trả nợ. Đây cũng là thủ đoạn mà nhóm tự xưng thu hồi nợ cho ngân hàng Techcombank đang tấn công những nạn nhân yếu thế.
Các đối tượng đòi nợ thuê ngang nhiên tung hình ảnh, thông tin cá nhân của nạn nhân lên mạng xã hội, gán ghép với những nội dung sai trái và vô đạo đức. Hành vi này không chỉ là xâm phạm quyền riêng tư mà còn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây ra những tổn thất tinh thần không thể đong đếm. Những người bị nhắm đến, mặc dù không có liên quan đến khoản nợ, phải chịu áp lực khủng khiếp, sống trong lo sợ và khủng hoảng tinh thần do sự bêu rếu, bịa đặt trắng trợn trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, những thông tin cá nhân như số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, số điện thoại bị công khai có thể trở thành "miếng mồi" béo bở cho các đối tượng lừa đảo khác, khi các thông tin nhạy cảm này có thể bị lợi dụng cho mục đích phi pháp.
Thủ đoạn này đã xuất hiện từ lâu và được những đối tượng đòi nợ thuê ưa dùng vì chúng có thể thực hiện trong bóng tối, trong khi nạn nhận lại hoàn toàn không biết người làm là ai vì tài khoản khủng bố thường là “nick ảo”. Gần đây, nhóm tự xưng đòi nợ cho ngân hàng Techcombank cũng dùng thủ đoạn tương tự. Như TAP News đã thông tin, hàng loạt những người không liên quan ở Bình Định và TP. Hồ Chí Minh liên tiếp bị tấn công trên mạng xã hội. Ảnh chân dung của họ bị cắt và ghép với nội dung thô tục, lăng mạ nhân phẩm, uy tín, danh sự, thậm chí chúng còn vu khống những người không liên quan là đứng đầu đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em, tham ô, nhận hối lộ, loạn luân,...
Nhóm tự xưng đòi nợ cho ngân hàng Techcombank lợi dụng mạng xã hội khủng bố ép nợ
Luật An ninh mạng Việt Nam số 24/2018/QH14 đã quy định những thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm các hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác hoặc thông tin sai sự thật, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đều phải được phòng chống và xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 những hành vi mà nhóm đòi nợ thuê này thực hiện có thể cấu thành tội "Làm nhục người khác," với mức án tù đến 2 năm. Không những thế, người đối tượng thực hiện các hành vi gán ghép sai sự thật còn có thể bị truy tố về tội "Vu khống," với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
Cả Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự đều có những quy định rõ ràng về việc xử lý các hành vi này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng trên không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn. Các nhóm đòi nợ thuê lộng hành hơn, lợi dụng không gian mạng như một nơi "núp bóng" để gieo rắc nỗi lo sợ, gây ra những khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng cho nhiều người dân vô tội. Dư luận quan ngại rằng, liệu lực lượng An ninh mạng Việt Nam đã thực hiện sát sao theo luật định và làm đúng trách nhiệm hay chưa? Tại sao tình trạng khủng bố không gian mạng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng đến nay các đối tượng vẫn dửng dưng công khai thực hiện hành vi phạm pháp?
Việc không xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân của người bị hại. Các cơ quan chức năng cần hành động quyết liệt hơn, đưa ra biện pháp chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn hành vi đòi nợ khủng bố nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và duy trì trật tự xã hội.
Còn tiếp
Joe Doan
Bình luận