Ngày 12/01/2022, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố tài liệu số 150 về kết quả nghiên cứu các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo đó, tài liệu được công bố gồm 47 trang đã bác bỏ hoàn toàn những cơ sở địa lý, lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Thông qua xem xét, Hoa Kỳ nhận định rằng các yêu sách hàng hải bành trướng từ Chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông đang làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền luật pháp quốc tế phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường chín đoạn" nằm trong yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Ảnh: The Guardian
Cụ thể, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông, khu vực vốn chìm dưới mặt biển và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải bất kỳ quốc gia nào là không phù hợp luật pháp quốc tế. Vì các thực thể chìm không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp cũng như không có khả năng tạo ra vùng biển như lãnh hải.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn vẽ và khẳng định quyền đối với “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng nước, các thực thể chìm trong vùng không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Trong bốn “quần đảo” mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền gồm: “Đông Sa,” “Tây Sa,” “Trung Sa,” và “Nam Sa” đều không đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng đường cơ sở thẳng theo Công ước. Đồng thời cũng chưa có một quy chế tập quán quốc tế đặc biệt nào ủng hộ quan điểm trên của Trung Quốc rằng nước này có thể xác định đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.
Về các vùng biển, việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên mỗi nhóm đảo tại Biển Đông mà nước này yêu sách là “một thực thể đơn nhất” cũng không được luật pháp quốc tế công nhận. Bởi, phạm vi của các vùng biển phải đo từ đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thông thường là ngấn nước thủy triều thấp dọc theo bờ biển. Thêm vào đó, Trung Quốc đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán trong chính các vùng biển có yêu sách chủ quyền của mình cũng không phù hợp luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng bác bỏ “quyền lịch sử” ở Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định khi quốc gia này chẳng có bất kỳ cơ sở pháp lý hay diễn giải cụ thể nào về bản chất của các “quyền lịch sử” trên.
Vì vậy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc “ngừng các hoạt động trái pháp luật và cưỡng chế ở Biển Đông”. Được biết, trước đó vào năm 2014, Hoa Kỳ từng công bố tài liệu nghiên cứu tương tự nhằm bác đi tuyên bố về “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Minh Huy (TH)/Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Bình luận