(TAP) - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa phê duyệt một thương vụ cung cấp tối đa 1.200 tên lửa đối không tầm trung tiên tiến cho Nhật Bản, với giá trị ước tính lên đến 3,64 tỷ USD.
Cụ thể, vào ngày 03/1 (giờ địa phương), Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt thương vụ cung cấp tối đa 1.200 tên lửa AMRAAM cho Nhật Bản. Lô tên lửa bao gồm các phiên bản AIM-120D-3 và AIM-120C-8, cùng các thiết bị liên quan. Quyết định này nhằm tăng cường an ninh cho Nhật Bản, một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đóng góp vào việc đảm bảo ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Thông tin từ DSCA
Tên lửa AIM-120 AMRAAM là một loại tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động thế hệ mới, có khả năng hoạt động ở nhiều điều kiện thời tiết. Hệ thống dẫn đường với đầu dò radar chủ động cho phép tên lửa thực hiện chiến thuật "bắn và quên", giúp máy bay phóng không cần duy trì khóa mục tiêu sau khi phóng, tăng hiệu quả tác chiến, giảm nguy cơ bị đối phương phản công.
Phiên bản AIM-120C-8 có tầm bắn lên đến 180 km, vượt trội so với phiên bản AIM-120A gốc, vốn chỉ đạt tầm bắn 50 km. Trong khi đó, phiên bản AIM-120D-3 có những cải tiến vượt trội về tầm bắn xa hơn cùng khả năng kháng nhiễu tốt hơn AIM-120C-8. AMRAAM còn trang bị đầu đạn phân mảnh, sức nổ cao, tối đa hóa khả năng sát thương khi va chạm máy bay đối phương.
Tên lửa đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (AMRAAM). Nguồn: Official United States Air Force Website
Mặc dù được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt, thương vụ chưa chính thức có hiệu lực mà cần thêm sự phê chuẩn từ Quốc hội Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo. Nếu không có sự phản đối, Quốc hội trình hợp đồng lên Tổng thống Hoa Kỳ để ký duyệt.
Theo các chuyên gia, thương vụ trên sẽ đem lại những tác động dài hạn cho Nhật Bản, đặc biệt là việc phát triển, sản xuất tên lửa AMRAAM ở tương lai. Bởi để tiếp nhận, sử dụng số lượng lớn tên lửa, Nhật Bản phải đầu tư xây dựng cơ sở kiểm tra, bảo trì. Các cơ sở này có thể trở thành nền tảng chuyển giao công nghệ, sản xuất tên lửa tại nội địa.
Ngoài ra, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên đến 43.000 tỷ yên (khoảng 273 tỷ USD) vào năm 2027. Kế hoạch hứa hẹn thúc đẩy ngân sách quốc phòng các năm tài chính tới. Tuy nhiên, việc tăng ngân sách vẫn đối mặt nhiều thách thức khi Thủ tướng Shigeru Ishiba đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, một đề xuất gây tranh cãi ngay trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Viet Anh
Bình luận