EU vượt Hoa Kỳ về quản lý trí tuệ nhân tạo?
Tin Quốc Tế

EU vượt Hoa Kỳ về quản lý trí tuệ nhân tạo?

Trong khi Washington, D.C. đang tìm cách quản lý rủi ro cho “cuộc đua” trí tuệ nhân tạo, Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước tiến vượt trội trong lĩnh vực này.

Theo thông tin từ Nasdaq (sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới) đăng tải ngày 20/2, EU vừa phê chuẩn một thỏa thuận tạm thời nhằm đặt ra các quy tắc chung trong quản lí trí tuệ nhân tạo (tạm gọi “Đạo luật AI”). Động thái này được chuyên gia đánh giá có khả năng tác động đến những quyết định tiếp theo ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro.

Cuộc bỏ phiếu quyết định của Hội đồng lập pháp EU dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (21/2) và có hiệu lực sau hai năm nếu được thông qua. “Đạo  luật AI”  sẽ đặt ra quy tắc cho một số ngành, từ ngân hàng đến vận tải, đồng thời hướng dẫn cơ quan thực thi pháp luật sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hiện nhiệm vụ hành chính công. Nó cũng đề cập đến cách thức xây dựng các mô hình ngôn ngữ giúp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và bí mật doanh nghiệp.

EU vượt Hoa Kỳ về quản lý trí tuệ nhân tạo?

EU ngày càng dẫn đầu về những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ (Nguồn: Nasdaq)

Cũng theo Nasdaq, trong khi các cơ quan chính phủ ở EU có vẻ hài lòng với đạo luật, những cá nhân và tổ chức tư nhân lại tỏ ra “kém hào hứng hơn” (a bit less enthusiastic).  Một số công ty chuyên về công nghệ lớn ở châu Âu cho rằng, điều khoản và mô tả đề cập trong nội dung đạo luật vẫn còn tương đối mơ hồ và phạm vi tác động của nó thậm chí có thể rộng hơn dự kiến.

Ông Sam Altman - Giám đốc điều hành OpenAI  kêu gọi cần thành lập một cơ quan quốc tế, giống như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency) để đảm nhận vai trò giám sát. Tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2024 diễn ra tại Dubai đầu tháng 2, ông đã đề xuất cần có “hệ thống hiệu chỉnh” (regulatory sandbox) khi thử nghiệm các công nghệ và đặt ra giới hạn cho việc sử dụng chúng.

Liệu có nên hay không ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn đang là câu hỏi khiến nhiều giới chức đau đầu. Điển hình như, nếu một công ty sử dụng AI chỉ để loại bỏ email, các quy định và quản lý đối với trường hợp này sẽ tương đối dễ dàng. Trái lại, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực tài chính hoặc trung gian khác sẽ cần những hạn chế nghiêm ngặt hơn. Thậm chí việc sử dụng AI còn bị cấm ở nhiều hoạt động, đơn cử như nhận dạng khuôn mặt nơi công cộng theo thời gian thực, trừ trường hợp phục vụ điều tra vụ bắt cóc hoặc khủng bố. Chuyên gia cho rằng, không nên có một khung quy định chung mà cần sự thích ứng linh hoạt tùy thuộc trường hợp và hoàn cảnh sử dụng.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từng ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các công ty AI chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn và nhiều thông tin khác với cơ quan chính phủ. Lệnh này khiến chủ sở hữu công nghệ phải tạo ra các tiêu chuẩn an toàn của riêng doanh nghiệp. Những nỗ lực lập pháp đang được thực hiện, nhưng chưa nỗ lực nào gần thông qua.

Ở chiều hướng khác, EU ngày càng dẫn đầu thế giới về những thay đổi trong ngành công nghệ. Cụ thể, Apple đã từ bỏ cáp Lightning sau khi EU ban hành quy định yêu hãng phải sử dụng phích cắm sạc tiêu chuẩn của ngành. Meta cũng phải thay đổi dịch vụ Messenger của mình trên Facebook khi sự giám sát từ EU ngày càng gia tăng.

Therion Son

Bình luận