Dựa vào nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Bồ Đào Nha, một số enzym mang cơ chế bảo vệ ở người lại đang là vấn đề khiến virus đậu mùa khỉ biến đổi và thích ứng tốt hơn.
Báo Dân trí (Việt Nam) ngày 1/7/2022 cho biết, theo nghiên cứu được công bố trên Nature Medicine (Tạp chí y học lâm sàng) vào tháng 6/2022, virus đậu mùa khỉ có thể biến đổi nhanh gấp 12 lần so với dự kiến từ chuyên gia.
Đậu mùa khỉ là một loại bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, gây ra bởi vi sinh vật thuộc giống orthopox - virus gây nên chứng đậu mùa. Các nhà khoa học tin rằng, linh trưởng và một số loài gặm nhấm có thể là trung gian truyền bệnh sang người. Trước đó, người ta chủ yếu phát hiện loại virus này ở Trung và Tây Phi - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế dẫn đến điều kiện sống bấp bênh, cơ sở vật chất, y tế không đảm bảo.
Ảnh chụp virus đậu mùa khỉ dưới góc nhìn kính hiển vi (Nguồn: Dân trí)
Từ tháng 5/2022, thế giới bắt đầu ghi nhận hơn 3.500 bệnh nhân thuộc 48 quốc gia bên ngoài châu Phi mắc căn bệnh này. Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải xem xét phân loại đợt bùng phát trên là tình trạng “khẩn cấp” toàn cầu.
Việc nắm bắt cách thức virus hoạt động được triển khai nhằm giúp nhân loại hiểu thêm và ngăn chặn chủng đột biến trong tương lai. Một số nhà khoa học Bồ Đào Nha đã truy nguyên DNA gây bùng phát bệnh bằng cách tiến hành phân tích 15 mẫu virus đậu mùa khỉ ở Tây Phi. Kết quả thu lại khoảng 50 biến thể di truyền. Con số này cao gấp 6 - 12 lần so với dự kiến trước đó (nghiên cứu năm 2018 - 2019). Những nhà khoa học cảnh báo, Orthopoxvirus ngày càng đột biến nhanh hơn, đồng thời đang có khả năng sửa lỗi khi thực hiện quá trình sao chép mã.
Bên cạnh đó, công trình trên cũng tiết lộ manh mối về khả năng thích ứng và lây lan virus trên người. Theo đó, Enzym APOBEC3 - loại protein bảo vệ con người khỏi sự xâm nhập và tấn công của virus lại đang là nguyên nhân khiến chúng đột biến, thích nghi với chủ thể. Ở điều kiện bình thường, Enzym này khiến virus mắc lỗi khi sao chép, đồng thời phá vỡ mã di truyền. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp, Enzym APOBEC không phá vỡ hoàn toàn virus mà tạo nên các đặc điểm thay đổi, dẫn đến sinh ra biến thể siêu gen. Orthopoxvirus tồn tại trong cơ thể người, chống lại Enzym nhờ thu nhận một lượng lớn đột biến này.
Thái Sơn (TH)
Bình luận