Đề xuất của Việt Nam về hành lang kinh tế Mekong thế hệ mới
Tin Việt Nam

Đề xuất của Việt Nam về hành lang kinh tế Mekong thế hệ mới

(TAP) - Tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 8, tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có một số đề xuất phát triển hành lang kinh tế này theo hướng mới.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Viet Nam Government Portal) Việt Nam cho biết, người đứng đầu cơ quan - ông Phạm Minh Chính vừa kết thúc 04 ngày làm việc (5 - 8/11) tại Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Sub-region, viết tắt: GMS) lần thứ 8 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ngoài chủ nhà  Bắc Kinh và đại diện từ chính quyền Hà Nội, sự kiện có có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan cũng như người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank), các tổ chức khu vực lẫn quốc tế.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho rằng, để bắt kịp xu hướng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu phát triển tiểu vùng, GMS cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, vượt ra ngoài mô hình hành lang kinh tế truyền thống. Theo truyền thông châu Á (Asia News Network), đại diện chính quyền Hà Nội có đề xuất 03 chính cho các hành lang kinh tế thế hệ mới này.

Đề xuất của Việt Nam về hành lang kinh tế Mekong thế hệ mới

Việt Nam đưa ra 03 đề xuất về phát triển hành lang kinh tế Mekong thế hệ mới (Nguồn: Viet Nam Government Portal)

Thứ nhất, GMS cần xây dựng hành lang công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy kết nối đa bên, đa ngành và đa giai đoạn. Trong đó, tập trung hỗ trợ các quốc gia giải quyết những khoảng cách trong khuôn khổ thể chế, chính sách, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo từ nguồn nhân lực đến tài chính. Thứ hai, bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng trong giao thông, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, GMS cần mở rộng đầu tư nhằm tạo ra các hành lang hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới và năng lượng sạch. Thứ ba, Việt Nam nhấn mạnh hành lang này phải xanh, bền vững và toàn diện, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, với con người là trung tâm, vừa là chủ thể vừa là động lực của phát triển. Để làm được điều này, GMS cần tăng cường chương trình hợp tác về hệ sinh thái, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại diện chính quyền Hà Nội cho rằng, GMS cần hợp tác với Ủy ban sông Mekong (Mekong River Commission) trong quản lý và sử dụng hệ thống Lan Thương – Mekong chung một cách hiệu quả, bền vững và công bằng. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước xuyên biên giới. Về phía mình, Việt Nam tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển.

Tiger Vu

 

Bình luận