Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng ông sẽ làm việc với Quốc hội tăng gấp đôi quỹ vào năm 2024 lên 11,4 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu.
Khoản tài trợ này sẽ giúp đạt được mục tiêu toàn cầu đẫ đặt ra cách đây hơn một thập kỷ là 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu ở các quốc gia dễ bị tổn thương vào năm 2020.
"Phần tốt nhất là, thực hiện những khoản đầu tư đầy tham vọng này không chỉ là chính sách khí hậu tốt mà còn là cơ hội để mỗi quốc gia chúng ta đầu tư vào chính bản thân và tương lai của chính mình", Biden phát biểu tại cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới.
Biden sẽ thực hiện cam kết trong chưa đầy sáu tuần, trước ngày diễn ra Hội nghị về Biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland (từ ngày 31/10 - 31/11). Các yếu tố cốt lõi trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của ông vẫn gắn liền với số phận của cơ sở hạ tầng và luật ngân sách trong quá trình đàm phán căng thẳng tại Quốc hội, có thể làm ông tăng nguy cơ trắng tay tại hội nghị thượng đỉnh.
Người chủ trì hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson, nói rằng việc đạt được mục tiêu tài chính khí hậu là chìa khóa để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển trước các cuộc đàm phán mới vì các quốc gia phát triển đã không huy động được cam kết 100 tỷ USA mỗi năm theo mục tiêu ban đầu vào năm 2020.
Các nước đang phát triển đã kêu gọi các nước công nghiệp hỗ trợ tài chính để giúp họ nhanh chóng áp dụng các công nghệ năng lượng sạch, tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường khả năng phòng thủ của họ trước các tác động từ biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng hay nhiệt độ khắc nghiệt.
Một số nhóm môi trường hoan nghênh cam kết mới như một sự thúc đẩy rất cần thiết cho thỏa thuận khí hậu Paris trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tại Scotland. Song, những nhóm khác lại ít ấn tượng hơn với bài phát biểu của Biden, trong đó có nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg.
Rachel Cleetus, giám đốc chính sách của Liên minh Quan tâm chia sẻ: “Cam kết của Tổng thống Biden trong việc mở rộng quy mô tài chính khí hậu quốc tế lên 11,4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2024 là một dấu hiệu đáng hoan nghênh và rất cần thiết cho thấy Mỹ cuối cùng cũng đang coi trọng các trách nhiệm về khí hậu toàn cầu của mình”.
Tuy nhiên, với tư cách là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, các nhà vận động khác cho biết cam kết vẫn còn thiếu. Mohamed Adow, giám đốc Power Shift Africa, phát biểu: “Mỹ vẫn đang thiếu hụt một cách đáng tiếc những gì họ nợ và điều này cần phải được gia tăng một cách khẩn cấp”.
Thunberg trên Twitter cũng chỉ trích các bài phát biểu và cam kết về khí hậu tại LHQ là rỗng tuếch: “Khá dễ hiểu tại sao các nhà phát thải CO2 hàng đầu thế giới và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất muốn làm cho nó có vẻ như họ đang hành động đầy đủ với khí hậu bằng những bài phát biểu hoa mỹ. Thực tế là họ vẫn thoát khỏi nó lại là một vấn đề khác”.
Bên cạnh đó, một phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy, ngay cả khi Mỹ tăng cam kết viện trợ khí hậu lên 11,4 tỷ USD vào năm 2024, thì con số này vẫn nhạt nhòa so với 24,5 tỷ USD mà EU đã chi cho viện trợ khí hậu vào năm 2019.
Ngoài ra, một báo cáo khác được công bố vào tuần trước - trước thông báo của Biden - của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng cho biết nhìn chung, các nước giàu không đạt được mục tiêu 100 tỷ USD, chỉ đóng góp 79,6 tỷ USD vào năm 2019.
Gia Hưng/Dịch theo Reuters
Bình luận