(TAP) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Đông Nam Á nói chung, đặc biệt là Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia nói riêng chính là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu thị trường toàn cầu (Global Markets Research) từ các chuyên gia kinh tế Ngân hàng OCBC (Oversea Chinese Banking Corporation) - Tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia ở Singapore đăng tải ngày 29/5 vừa qua (giờ châu Á), trong năm tài chính 2023, nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế ASEAN chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và EU (châu Âu)
Trong đó, ghi nhận FDI ở một số quốc gia điển hình như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan tăng lên đáng kể, đạt 236 tỷ USD trong năm 2023 so với mức trung bình 190 tỷ USD/năm giai đoạn 2020 - 2022.
Không chỉ sở hữu vị trí thuận lợi, các chuyên gia OCBC cho rằng, sự bùng nổ của FDI vào ASEAN phần lớn nhờ vào hưởng lợi chính sách “Trung Quốc+” (China Plus One/Plus One/C+1) - một chiến lược kinh doanh tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc, thay vào đó sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển hướng đầu tư vào sản xuất tại các nền kinh tế đang phát triển đầy khác.
Như vậy, trong số 10 quốc gia của khối ASEAN (Lào, Campuchia, Brunei, Philippines, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), đâu là những lựa chọn triển vọng nhất theo đánh giá của giới chuyên môn?
Việt Nam tất nhiên là cái tên đầu tiên nằm trong danh sách này khi lần lượt trở thành đối tác chiến lược toàn diện với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo truyền thông trong nước lẫn quốc tế, hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Samsung đã và đang có chiến lược phát triển lâu dài tại mảnh đất “hình chữ S”. Trong đó, nhiều thiết bị công nghệ tối tân tân từ nhà “Táo” như MacBook, iPad và Apple Watch đang được Tập đoàn công nghệ hàng đầu phía Washington, D.C. triển khai sản xuất.
Bên cạnh đó, nhờ nguồn lao động dồi dào, chi phí ổn định, nhiều hiệp định thương mại tự do giúp quá trình tiếp cận thị trường, xuất khẩu sang EU thuận lợi, Việt Nam chắc chắn là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc khiến nhà đầu tư ngán ngẩm rời khỏi Bắc Kinh.
Khi các doanh nghiệp muốn chuyển hướng khỏi Bắc Kinh, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu nhờ vị trí địa lý cùng nhiều thuận lợi khác (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam)
Trong những năm gần đây, giới quan sát cũng chứng kiến xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh của các công ty bán dẫn nước ngoài tại Malaysia. Nhiều cái tên nổi bật phải kể đến là Intel, Infineon, GlobalFoundries,… Nguyên nhân nhờ thị trường nhân công ở Kuala Lumpur tương năng động, giá thuê lao động thấp, thợ có kỹ thuật cao, đặc biệt lành nghề trong việc đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip.
Nếu Malaysia đang là điểm đến tiềm năng cho dòng tiền đầu tư vào chip bán dẫn thì Indonesia lại nổi bật với lĩnh vực sản xuất pin xe điện. Nhờ nguồn tài nguyên niken, đồng, coban và boxide (quặng nhôm nguồn gốc từ đá núi lửa) dồi dào - những nguyên liệu chính sản xuất pin, Jakarta trở thành điểm nóng đầu tư của nhiều ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh phương tiện di chuyển thân thiện môi trường.
Mới đây, Bộ Công nghiệp Indonesia (Ministry of Industry of Republic of Indonesia) vừa ký kết thỏa thuận thành lập trung tâm sản xuất xe điện cùng 04 doanh nghiệp phía Bắc Kinh (Neta, Chery, Wuling và Sokon), thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Chicago (Hoa Kỳ).
Sức hút từ Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng khiến nhiều doanh nghiệp xe điện Bắc Kinh phải lựa chọn đổ nguồn tiền đầu tư (Consulate General of The Republic of Indonesia in Chicago)
Có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài ngay cả khi vẫn duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc vẫn có xu hướng đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng thị trường sang các quốc gia lân cận. Ghi nhận cũng không ít trường hợp doanh nghiệp của Bắc Kinh cũng đang chuyển hướng đầu tư, đưa dòng tiền sang phát triển tại nhiều khu vực tiềm năng.
Kane Nguyen
Bình luận