(TAP) - Trong bối cảnh từ thiện đang được quan tâm đặc biệt sau bão Yagi tại Việt Nam, cụm từ “phông bạt” trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Vậy “phông bạt” thực sự có nghĩa là gì và tai sao hiện tượng này lại được chú ý đến vậy?
Cụm từ “phông bạt” thực chất là tên một vật dụng phổ biến dùng để che chắn chẳng hạn như chắn mưa, chắn nắng. Về nghĩa bóng, thuật ngữ “phông bạt” ám chỉ lối sống phô trương, hào nhoáng bên ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong. Qua việc làm quá, thổi phồng lên những gì không có thật hoặc chỉ tồn tại một phần rất nhỏ ở thực tế.
Hiện nay, từ “phông bạt” được nhiều người sử dụng khi muốn châm biếm những cá nhân, tập thể thích thể hiện, khoe mẽ, phô trương, gây chú ý. Bằng cách phóng đại khả năng, tài sản, thành tựu, tri thức mà bản thân không hề có. Với mong muốn nhận được sự ngưỡng mộ và khen ngợi từ người khác.
Trong thời đại số hóa và mạng xã hội bùng nổ, hiện tượng “phông bạt” đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Họ dường như không quá để tâm đến cuộc sống thực mà chỉ chú trọng hình ảnh khi xuất hiện trên màn ảnh ảo sao cho thật lung linh, hoành tráng. Việc hướng cuộc sống đến những thứ tốt đẹp không hẳn là xấu nhưng dùng cách “phông bạt” gây sự chú ý với mục đích trục lợi thì rất đáng lên án. Đặc biệt khi hành vi này xuất phát từ cá nhân, tổ chức có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Giờ đây, họ không chỉ phóng dại hình ảnh cá nhân mà còn tạo cả chứng từ giả.
Ảnh minh họa
Ví dụ điển hình là trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang nỗ lực từ thiện hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình làm giả sao kê quyên góp nhằm gây ấn tượng với công chúng. Họ chỉnh sửa và công khai các hóa đơn thể hiện bản thân đóng góp số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, khi cơ quan nhà nước công khai sao kê thì mới vỡ lẽ tất cả là giả mạo, phóng đại. Các con số hàng trăm triệu ấy giờ chỉ còn vài trăm nghìn, thậm chí chỉ vài chục nghìn... Điều này làm mất đi niềm tin của công chúng vào các hành động từ thiện. Đáng nói chúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức từ thiện thực sự.
Những cá nhân theo đuổi lối sống này thường không ngừng phóng đại thành tích. Áp lực muốn thể hiện bản thân bằng những món đồ hiệu, những chuyến du lịch xa hoa khiến nhiều người sa vào vòng xoáy đua đòi, tiêu xài hoang phí. Thay vì dành thời gian nâng cao năng lực, giá trị bản thân, hội người thích “phông bạt” lại mải mê sống ảo, chú trọng hình thức, chạy theo những xu hướng nhất thời, chuẩn mực vẻ đẹp phi thực tế.
Nguyên nhân mà nhiều người thích “phông bạt” có thể xuất phát từ sự tự ti, mặc cảm với cuộc sống thực tế của bản thân. Chính vì thế họ chọn cách tạo ra hình ảnh phô trương, che giấu bất an bên trong. Hoặc chỉ đơn giản vì bản chất của họ là thích hư vinh, hào nhoáng, luôn mong được người khác chú ý, tung hô, khen ngợi, tôn trọng. Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng hiện đại thì áp lực về thành công và giàu có cũng tăng lên. Kèm theo truyền thông có xu hướng tôn vinh những hình ảnh hoa mỹ khiến nhiều người cảm thấy cần phải bắt kịp. Mặt khác, một số cá nhân bị lôi cuốn bởi những câu chuyện thành công nhanh chóng và dễ dàng nhờ vào ngoại hình. Từ đó, hình thành tư tưởng lêch lạc rằng chỉ cần có vẻ ngoài hoàn hảo sẽ đạt được những thứ mình mong muốn.
Lối sống phông bạt đang dần trở thành một căn bệnh xã hội, ảnh hưởng tiêu cực, làm xói mòn giá trị cá nhân. Việc luôn phải che đậy bản thân bằng tấm phông hào nhoáng không chỉ gây áp lực kinh tế cho bản thân, gia đình mà còn tạo ra môi trường xã hội đầy áp lực, cạnh tranh. Lâu dần, lối sống “phông bạt” có thể hình thành một thế hệ có cái nhìn lệch lạc về giá trị cuộc sống. Khi những điều quan trọng như tình cảm gia đình, bạn bè, sự nghiệp đều phải xếp sau những thứ xa hoa, hào nhoáng không có thực.
Ngo Minh
Bình luận