Anh xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á
Tin Việt Nam

Anh xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á

(TAP) - Vào ngày 15/12, Vương quốc Anh chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh tế hậu Brexit. Sự kiện mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam như cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á.

CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn và toàn diện nhất trên thế giới. Được ký kết vào năm 2018, hiệp định bao gồm 11 thành viên sáng lập: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Với sự gia nhập của Anh, CPTPP hiện có 12 thành viên, chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và bao phủ thị trường hơn 500 triệu dân. Hiệp định đặt ra mục tiêu cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thành viên, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn ở lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường, thương mại điện tử... Qua đó, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho những nước thành viên, CPTPP góp phần gia tăng sự hội nhập kinh tế khu vực, toàn cầu.

Anh xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á 

Ảnh minh họa

Nhân dịp Anh chính thức gia nhập CPTPP, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew, khẳng định: "Anh cam kết trở thành một thành viên chủ động và đáng tin cậy trong CPTPP. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tham vọng của Việt Nam về tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy thương mại toàn diện mang lại lợi ích cho tất cả mọi người". Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi coi Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á và là đồng minh quan trọng trong giải quyết các thách thức toàn cầu chung như biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu kinh tế."

Anh xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á 

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew. Nguồn: UK in Vietnam

Cam kết từ Đại sứ Iain Frew cho thấy bên cạnh lợi ích kinh tế, Vương quốc Anh còn hướng đến xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền vững cùng đối tác thuộc khối, đặc biệt là Việt Nam. Sở hữu quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và chiếm 15% GDP toàn cầu, CPTPP đóng vai trò "đòn bẩy" thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững. Các doanh nghiệp Anh có thể kỳ vọng vào khả năng tiếp cận thị trường châu Á dễ dàng hơn.

Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nguồn đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến và tăng cường hợp tác khoa học - kỹ thuật. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, vị trí chiến lược khu vực, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Anh. Bên cạnh đó, CPTPP còn bổ sung, củng cố hiệp định thương mại song phương đã có như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Sự kết hợp giữa các hiệp định sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hai nước, từ giảm thuế quan đến cải thiện chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng phạm vi hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt hàng loạt thách thức như biến đổi khí hậu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, Anh gia nhập CPTPP đã thể hiện quyết tâm từ cả hai bên về tăng cường kết nối, hợp tác đa phương, tăng trưởng bền vững. Bởi Việt Nam và Anh cùng chung mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và có khả năng chống chịu trước những biến động toàn cầu.

Trang Thanh

Bình luận