Ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ lại lên mức nguy hiểm vào mùa đông năm nay, khi màn khói xám dày đặc che khuất bầu trời, các tượng đài và nhà cao tầng bị nuốt chửng bởi một lớp khói mù mịt.
Theo SAFAR, cơ quan giám sát môi trường chính của Ấn Độ, chỉ số chất lượng không khí của thành phố rơi vào loại “rất kém” vào Chủ nhật và ở nhiều khu vực, mức độ hạt vật chất chết người đạt khoảng sáu lần ngưỡng an toàn toàn cầu.
Hình ảnh vệ tinh của NASA cũng cho thấy hầu hết các vùng đồng bằng phía bắc của Ấn Độ được bao phủ bởi mây mù dày đặc. Trong số nhiều thành phố của Ấn Độ, New Delhi đứng đầu danh sách này hàng năm. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn vào mùa đông khi việc đốt tàn dư cây trồng ở các bang lân cận trùng với nhiệt độ lạnh hơn làm bẫy khói chết người. Làn khói đó bay đến New Delhi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng ở thành phố hơn 20 triệu dân càng làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Chính quyền New Delhi hôm 13/11 đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong một tuần và các công trường xây dựng trong bốn ngày bắt đầu từ ngày 15/11. Các văn phòng chính phủ cũng được cho biết phải chuyển đến làm việc tại nhà trong một tuần để giảm lượng xe lưu thông trên đường.
Lãnh đạo dân cử hàng đầu của thủ đô, Arvind Kejriwal thông báo, có khả năng thành phố bị phong tỏa hoàn toàn nhưng quyết định sẽ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của chính phủ liên bang.
Vấn đề ô nhiễm của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở thủ đô.
Khí thải từ các ngành công nghiệp không có công nghệ kiểm soát ô nhiễm và than đá trong sản xuất phần lớn điện năng của đất nước, có liên quan đến chất lượng không khí tồi tệ ở các khu vực đô thị khác.
Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng nhanh hơn trong những thập kỷ tới so với bất kỳ quốc gia nào khác. Một phần của nhu cầu đó có thể sẽ được đáp ứng bởi điện than bẩn, một nguồn thải carbon chính là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Đó là lý do tại sao hôm 13/11, Ấn Độ đã phải yêu cầu thay đổi vào phút cuối đối với thỏa thuận cuối cùng tại các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu ở Glasgow, Scotland, nhằm kêu gọi “giảm giai đoạn” chứ không phải là “loại bỏ” điện than.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav đã phản đối điều khoản về việc loại bỏ dần than đá, nói rằng các nước đang phát triển “được quyền sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có trách nhiệm”.
Song, nhiều chuyên gia đã chỉ trích động thái này. Họ lo lắng nó sẽ làm suy yếu thỏa thuận cuối cùng và cũng có thể cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chất lượng không khí ngày càng tồi tệ của Ấn Độ.
Samrat Sengupta, giám đốc chương trình về biến đổi khí hậu và năng lượng tại Trung tâm Khoa học và Môi trường thông tin: “Điều đó hoàn toàn không phải như mong muốn”. Đồng thời cho biết, Ấn Độ cần có đủ “không gian carbon” trong khí quyển cho nhu cầu phát triển của mình để cùng tồn tại với tham vọng toàn cầu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) kể từ thời tiền công nghiệp.
“Việc loại bỏ than là không thể về mặt kỹ thuật vào lúc này. Không có kịch bản nào có thể dự báo Ấn Độ sẽ không còn phụ thuộc vào than vào năm 2050” Sengupta chia sẻ.
Tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi vừa tuyên bố nước này sẽ đặt mục tiêu ngừng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển vào năm 2070 (sau Mỹ hai thập kỷ và chậm hơn Trung Quốc ít nhất 10 năm).
Được biết, dự trữ than của Ấn Độ có hàm lượng tro cao đốt cháy kém hiệu quả và làm tăng ô nhiễm không khí. Nhưng hàng triệu người Ấn Độ phụ thuộc vào than để kiếm kế sinh nhai.
Hari Ram, một người kinh doanh than bộc bạch: “Ở nước ta, đây là phương tiện mưu sinh duy nhất của nhiều người. Nếu nước ngoài nói chúng tôi ngừng sử dụng than thì chúng tôi sẽ lấy gì để ăn”.
Gia Hưng/Dịch theo ABC News
Bình luận