logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Việt Nam phát hiện hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu vận hành qua phần mềm Trung Quốc

Ngày đăng: 9/7/2025

(TAP) - Lực lượng chức năng Việt Nam vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu tại phường Móng Cái 3, tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ hoạt động kho vận được điều hành thông qua phần mềm quản lý do Trung Quốc phát triển, vận hành từ xa và hoàn toàn không tích hợp với hệ thống giám sát Việt Nam.

Việt Nam phát hiện hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu vận hành qua phần mềm Trung Quốc

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tại hiện trường kiểm tra. Nguồn: Cổng thông tin Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương Việt Nam)

Theo Cổng thông tin Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương Việt Nam), vào ngày 8/7 (giờ Việt Nam), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra kho hàng tại khuôn viên Công ty Cổ phần Thương mại Đồng Tâm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tổng cộng 47.127 sản phẩm vi phạm, gồm: 16.166 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, ước tính trị giá 1,1 tỷ đồng (~43.000 USD); 15.511 sản phẩm hàng hóa nhập lậu khác, trị giá khoảng 80 triệu đồng (~3.150 USD); 15.450 sản phẩm không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 65 triệu đồng (~2.560 USD). Tổng giá trị lô hàng vi phạm ước tính lên đến 1,245 tỷ đồng, tương đương khoảng 48.700 USD.

Kho hàng từng do ông Đỗ Văn Quang (trú tại phường Móng Cái 2) thuê, trước khi qua đời vào ngày 26/6/2025. Theo người thân ông Quang, kho được một công dân Trung Quốc tên A PIN thuê lại từ ngày 1/6/2025. Các bên liên quan khẳng định số hàng không thuộc sở hữu của ông Quang hay gia đình.

Việt Nam phát hiện hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu vận hành qua phần mềm Trung Quốc

Giao diện tảng thương mại điện tử Trung Quốc (1688.com)

Điều đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc từ nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc (1688.com). Bên cạnh đó, việc vận hành kho thực hiện qua phần mềm quản lý sử dụng hoàn toàn tiếng Trung Quốc, không có kết nối với bất kỳ hệ thống dữ liệu nội địa nào. Điều này khiến việc giám sát và truy xuất dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy kho hàng bị kiểm tra đóng vai trò như một điểm trung chuyển và xử lý đơn hàng của nhiều tài khoản TikTok khác nhau. Còn nhân viên tại kho chỉ thực hiện thao tác in vận đơn để chuyển giao đến các đơn vị vận chuyển, mà không tham gia giám sát dòng hàng hay cập nhật dữ liệu. Ngoài ra, phần mềm quản lý ghi nhận hoạt động bắt đầu từ ngày 15/2/2025, với tổng giá trị giao dịch lên tới khoảng 12 triệu nhân dân tệ (~khoảng 1,6 triệu USD). Tuy nhiên, do rào cản ngôn ngữ, thiếu tích hợp với hệ thống thương mại điện tử Việt Nam, cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác minh danh tính các tài khoản TikTok liên quan, khối lượng hàng phân phối cũng như lợi nhuận thu được. Hiện toàn bộ số hàng vi phạm đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Theo nhận định từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, vụ việc cho thấy xu hướng buôn lậu ngày càng tinh vi, tận dụng công nghệ số và mạng xã hội để né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Mô hình “kho ẩn danh”, kết nối đa tài khoản và điều hành từ xa không chỉ tạo ra rủi ro đối với người tiêu dùng mà còn đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý thị trường và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Giới chức Việt Nam kêu gọi cần sớm siết chặt kiểm soát các nền tảng quản lý kho hàng, tăng cường năng lực giám sát dữ liệu số và thúc đẩy phối hợp liên ngành giữa các lực lượng quản lý thị trường, hải quan và an ninh mạng. Giữa bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, phức tạp, việc nâng cao khả năng ứng phó với gian lận công nghệ cao là yếu tố then chốt nhằm bảo vệ thị trường nội địa và đảm bảo tính minh bạch của hoạt động thương mại quốc gia.

Viet Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan