(TAP) - Trước thực trạng hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại tràn lan, Chính phủ Việt Nam đang gấp rút triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa dự kiến ra mắt vào cuối năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Nguyễn Văn Long phát biểu tại tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Nguyễn Văn Long công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hội nghị diễn ra vào chiều ngày 23/6 (giờ Việt Nam) tại trụ sở Chính phủ Việt Nam. Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, hệ thống truy xuất nguồn gốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an thuộc Đề án 06.
Hiện nay, Bộ Công an Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tập đoàn VNPT xây dựng và triển khai phần mềm này. Giai đoạn đầu sẽ thử nghiệm với một số nhóm hàng hóa thiết yếu. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh ngay từ đầu năm 2025, Bộ Công an xác định việc đấu tranh chống các loại tội phạm liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ ưu tiên. Trên cơ sở đó, ba kế hoạch tổng thể được ban hành, mở ra nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý toàn diện.
Ở đợt cao điểm vừa qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả quy mô lớn; đặc biệt là sữa, thực phẩm chức năng,... Bộ Công an Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kể cả những trường hợp tiếp tay từ cán bộ, cơ quan chức năng với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Tính đến thời điểm hiện tại, toàn lực lượng đã khởi tố 124 vụ án với 297 bị can. Riêng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam trực tiếp thụ lý 7 vụ với hơn 100 bị can, thu giữ hàng hóa giả trị giá hơn 12.000 tỷ đồng. Công an các địa phương xử lý hành chính gần 1.000 vụ, thu phạt trên 15 tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Bên cạnh đó, theo báo cáo và tham luận tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam rất phức tạp. Mặt hàng thường bị làm giả, buôn lậu bao gồm: xăng dầu, vàng, rượu bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, hàng đông lạnh và hàng gia dụng,... Tình trạng này diễn ra công khai tại nhiều địa phương và gia tăng mạnh mẽ trên môi trường thương mại điện tử.
Tính tổng 6 tháng đầu năm 2025, toàn Việt Nam phát hiện và xử lý 50.736 vụ vi phạm, bao gồm: 10.862 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 36.604 vụ gian lận thương mại và thuế; 3.270 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 6.532,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 1.875 vụ với 3.235 bị can.
Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đợt cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, bộ, ngành, địa phương Việt Nam đồng loạt ra quân phòng, chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại. Kết quả, 10.437 vụ việc bị phát hiện, xử lý – tăng 80,51% so với tháng trước đó bao gồm: 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.631 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt 1.279 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 204 vụ với 378 bị can. Hơn 5.500 cửa hàng trên cả nước buộc phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động do vi phạm liên quan đến hàng giả.
Các đại biểu dự hội nghị đánh giá mặc dù công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt nhiều kết quả tích cực song tình hình vẫn còn nhiều thách thức. Việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng được kỳ vọng góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh.
Phương Vi