(TAP) - Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc chính thức đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
Động thái trên diễn ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế mới và hủy bỏ cơ chế miễn thuế đối với các lô hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc. Theo văn bản do WTO công bố, Bắc Kinh phản đối mức thuế 10% mà chính quyền Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu, đồng thời chỉ trích quyết định chấm dứt cơ chế "de minimis" – vốn cho phép miễn thuế với các lô hàng dưới 800 USD. Cơ chế này từ lâu được các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shein, Temu, Amazon… tận dụng để đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ một cách thuận lợi hơn.
Đơn hiếu nại của Trung Quốc được WTO công bố
Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ viện dẫn lý do chống buôn lậu fentanyl để áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc chỉ là cái cớ để thực hiện các chính sách thương mại trừng phạt. Đồng thời, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc không kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu fentanyl và các hóa chất tiền chất và lên án các động thái của Washington là đơn phương và thiếu cơ sở. Phía Trung Quốc khẳng định Washington vi phạm các cam kết thương mại mà ký kết trong khuôn khổ WTO. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh họ có quyền áp dụng thêm các biện pháp đáp trả cũng như đưa ra các khiếu nại bổ sung trong quá trình tham vấn và tại bất kỳ hội đồng giải quyết tranh chấp nào trong tương lai.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế
Được biết, căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng đáng kể sau khi mức thuế nhập khẩu mới của Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực vào ngày 04/2. Chỉ vài phút sau đó, Trung Quốc lập tức tuyên bố áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 10/2. Cụ thể, Bắc Kinh áp thuế 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số loại ô tô nhập khẩu từ Hoa Kỳ phải chịu mức thuế 10%. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát xuất khẩu các kim loại quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium và molybdenum với lý do "bảo vệ an ninh quốc gia". Ngoài các biện pháp thuế quan, Trung Quốc còn gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp Hoa Kỳ bao gồm mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đưa hai công ty khác của Hoa Kỳ vào danh sách đen, có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn leo thang mới với những động thái trả đũa mạnh mẽ từ cả hai phía. Việc hai cường quốc kinh tế liên tục áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại không chỉ tác động đến nền kinh tế của chính họ mà còn gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhu Phan