logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Sau sáp nhập, Việt Nam có đường bay nội thành đầu tiên

Ngày đăng: 4/7/2025

Sau ngày 01/7/2025, việc điều chỉnh địa giới hành chính đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng khi Việt Nam có 5 tỉnh, thành sở hữu hai sân bay dân dụng. Đặc biệt, TP. HCM trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có đường bay nội thành nối giữa Tân Sơn Nhất và Côn Đảo. 

Từ khi Nghị quyết 202/2025/QH15 của Chính phủ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, hệ thống hành chính cấp tỉnh Việt Nam đã chính thức bước sang một giai đoạn mới. Ngoài việc điều chỉnh ranh giới địa lý, nhiều cơ quan, cơ sở hạ tầng dân dụng bao gồm cả các cảng hàng không được phân bổ lại theo đơn vị hành chính mới. Một trong số những kết quả nổi bật của quyết định này là sự xuất hiện 5 địa phương sở hữu đồng thời 2 sân bay dân dụng, bao gồm: TP. HCM (sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo); Đà Nẵng (sân bay Đà Nẵng và Chu Lai); Gia Lai (sân bay Phù Cát và Pleiku); Đắk Lắk (sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa); An Giang (sân bay Phú Quốc và Rạch Giá).

TP. HCM: Tân Sơn Nhất và Côn Đảo

Trước sáp nhập, tuyến bay giữa TP. HCM - Côn Đảo được xem là liên tỉnh nhưng kể từ ngày 01/7, cả hai sân bay đều trực thuộc cùng một đơn vị hành chính, đánh dấu sự ra đời tuyến bay nội thành đầu tiên tại Việt Nam. Sân bay Tân Sơn Nhất từ lâu nổi tiếng là cảng hàng không quốc tế có lưu lượng hành khách lớn nhất cả nước. Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2024, sân bay phục vụ gần 40 triệu lượt khách, tần suất khoảng 600 chuyến bay mỗi ngày. Đặc biệt, nhà ga T3 vừa chính thức đi vào khai thác với công suất thiết kế đạt 20 triệu khách mỗi năm và khả năng tiếp đón tới 7.000 hành khách trong khung giờ cao điểm.

Giờ đây, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP. HCM sở hữu thêm sân bay Côn Đảo (trước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều này càng giúp TP. HCM có thêm nhiều lợi thế khi vào tháng 9/2024, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp sân bay Côn Đảo thành cảng hàng không quốc tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Hành trình từ Tân Sơn Nhất đến Côn Đảo có thời gian bay khoảng 50 phút. Giá vé hiện dao động từ 1,1 đến 1,8 triệu đồng/ một chiều.

Với vị trí địa lý biệt lập, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, di tích lịch sử phong phú, Côn Đảo đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách tìm kiếm trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp, đặc biệt khi việc di chuyển từ trung tâm TP. HCM đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện.

Sau sáp nhập, Việt Nam có đường bay nội thành đầu tiênSân bay Côn Đảo (trước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện đã chuyển giao về TP. HCM sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đà Nẵng: Đà Nẵng và Chu Lai

Ở khu vực miền Trung, TP. Đà Nẵng sau sáp nhập quản lý thêm sân bay Chu Lai bên cạnh sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho biết trong năm 2024, riêng sân bay Đà Nẵng đã đón hơn 13 triệu hành khách, phản ánh rõ nét nhu cầu tăng trưởng tại thành phố ven biển này. Sự hiện diện của hai sân bay mới sẽ giúp khu vực này mở rộng mạng lưới bay quốc tế, phân luồng hành khách hợp lý song song phát triển các mô hình du lịch mới như du lịch hội nghị, du lịch MICE. Theo quy hoạch mới nhất từ Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, Chu Lai sẽ nâng cấp với công suất 10 triệu lượt khách vào năm 2030 cùng khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng khác.

Gia Lai: Phù Cát và Pleiku

Tại khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai giờ đây có hai sân bay Pleiku và sân bay Phù Cát (trước thuộc tỉnh Bình Định). Với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, sân bay Phù Cát đang nâng cấp để đạt công suất 5 triệu khách năm 2030; 7 triệu lượt năm 2050. Ngoài ra, sân bay Pleiku được định hướng phục vụ tới 5 triệu khách, 12.000 tấn hàng hóa vào năm 2050. Đây là cơ sở để Gia Lai trở thành điểm trung chuyển quan trọng giữa vùng Tây Nguyên - duyên hải miền Trung, thúc đẩy các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm bản địa, khám phá thiên nhiên.

Sau sáp nhập, Việt Nam có đường bay nội thành đầu tiên

Để đáp ứng nhu cầu du lịch và phục vụ Hội nghị APEC, sân bay quốc tế Phú Quốc đang được mở rộng gấp đôi diện tích với tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng. Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa

Sau sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk hiện đồng thời quản lý sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Tuy Hòa (trước thuộc tỉnh Phú Yên). Sân bay Buôn Ma Thuột đang trong quá trình mở rộng để đạt năng lực 5 triệu lượt hành khách vào năm 2030. Bên cạnh đó, Tuy Hòa đặt mục tiêu 3 triệu ở cùng thời điểm và 5 triệu vào năm 2050. Việc sở hữu cả sân bay nội địa, sân bay giáp biển giúp Đắk Lắk định hình chiến lược du lịch liên vùng, từ cao nguyên xuống đồng bằng ven biển - một tuyến du lịch, thu hút lượng lớn du khách.

An Giang: Phú Quốc và Rạch Giá

Từ một tỉnh không có sân bay, tỉnh An Giang nay tiếp quản cả hai sân bay từng thuộc tỉnh Kiên Giang bao gồm Phú Quốc và Rạch Giá. Theo thông tin TAPNews từng đăng tải, tính đến hết tháng 5/2025, Phú Quốc đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách - tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế đạt gần 900.000 lượt, tăng tới 76,7%. Đặc biệt, “đảo ngọc” còn vinh dự được chọn làm nơi đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027. Để đáp ứng nhu cầu du lịch và phục vụ Hội nghị APEC, sân bay quốc tế Phú Quốc đang mở rộng gấp đôi diện tích với tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ Việt Nam dự kiến sân bay sẽ đạt công suất 18 triệu lượt khách sau 2 năm tính từ 2025, tăng lên mức 50 triệu lượt vào năm 2050. Trong khi đó, Sân bay Rạch Giá sẽ đóng vai trò hỗ trợ, tiếp nhận luồng khách nội địa hoặc khi có sự kiện lớn.

Việc một số địa phương sở hữu hai sân bay là bước ngoặt để thúc đẩy du lịch bền vững, khai phá những thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ. Khi tuyến đường bay trở nên linh hoạt, hành khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận đa dạng điểm đến, các tour du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh du lịch Việt Nam đang tái cấu trúc sau dịch và hướng tới nâng cao chất lượng trải nghiệm thay vì chỉ tập trung vào số lượng khách.

Sau sáp nhập, Việt Nam có đường bay nội thành đầu tiênKhi hành khách có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận điểm đến, các tour du lịch, tuyến đường bay cũng sẽ linh hoạt, đa dạng hơn. Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Phuong Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan