logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam

Ngày đăng: 15/7/2025

(TAP) - Quần thể Di tích, Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, được biết đến như một không gian tôn giáo đặc sắc gắn với dòng thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập; là biểu tượng của sự kết nối xuyên suốt giữa thiên nhiên, con người và văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Vào ngày 12/7 vừa qua, UNESCO chính thức công nhận đây là Di sản Văn hóa thế giới, trở thành Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam.

Quần thể di sản gồm 12 điểm, trải dài trên ba tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, với diện tích vùng lõi 525,75 ha, vùng đệm 4.380,19 ha. Các điểm nổi bật trong quần thể có Thái Miếu, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh); đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương (Hải Phòng); chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Ninh). 

Theo Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, quần thể Di tích, Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc lấy Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, cùng sự đóng góp to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là vị vua anh minh ở triều Trần. Sau hai lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc Nguyên - Mông, ngài đã từ bỏ ngai vàng để tu hành tại núi Yên Tử, khai sáng nên dòng thiền Trúc Lâm - một minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Giá trị tư tưởng, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú hệ thống giá trị chung nhân loại: Giáo dục, xây dựng nền hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người - thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Nguồn: Facebook Chùa Yên Tử. 

Không chỉ dừng lại ở giá trị vật thể đền thờ, am thất, bia đá hay mộc bản, toàn bộ không gian linh thiêng nơi đây còn bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa phi vật thể gồm lễ hội truyền thống, nghi lễ Phật giáo, phong tục hành hương,... Mặc dù phân bổ ở ba tỉnh thành khác nhau, trên một không gian rộng lớn Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, di sản vẫn mang tính thống nhất xuyên suốt từ địa lý đến tư tưởng; phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: Yên Tử (khai sáng), Vĩnh Nghiêm (truyền bá) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (phục hưng). Những điểm di tích này dù hình thành từ nhiều thế kỷ trước nhưng không ngừng phát triển tiếp nối, thực hiện nhiệm vụ trao truyền, lan tỏa, sáng tạo văn hóa; đóng vai trò như trung tâm tôn giáo, điểm đến du lịch cho hàng triệu du khách mỗi năm.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam Chùa Côn Sơn. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC 47) tổ chức tại trụ sở UNESCO, Paris (Pháp) vào ngày 12/7 vừa qua, quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Quyết định do Chủ tịch kỳ họp, giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - gõ búa công nhận lúc 13h02 cùng ngày (giờ địa phương), sau quá trình thảo luận, ghi nhận ý kiến các nước thành viên. Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được UNESCO ghi danh; di sản thế giới liên tỉnh thứ hai thuộc danh mục này, sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Trước đó, Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993); Vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023); Phố cổ Hội An (1999); Thánh địa Mỹ Sơn (1999); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015); Hoàng thành Thăng Long (2010); Thành nhà Hồ (2011); Quần thể danh thắng Tràng An (2014).

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam Giáo sư Nikolay Nenov - Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam thông tin thêm, hồ sơ đề cử do tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng công phu, bài bản với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản cùng chính quyền ba địa phương. Trong quá trình hoàn thiện, Việt Nam tiếp thu khuyến nghị từ Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) nhằm làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu, thể hiện rõ năng lực quản lý, bảo tồn di sản theo đúng tinh thần của công ước Di sản Thế giới 1972. Việc UNESCO ghi danh Quần thể di tích đã giúp tăng cường liên kết vùng giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh; tạo ra không gian di sản thống nhất, góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là một đóng góp cho cam kết lâu dài của Việt Nam cho mục tiêu giữ gìn, phát huy giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Trong nội dung phát biểu tại Kỳ họp WHC 47, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, TS.KTS. Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh kế hoạch tiếp tục triển khai hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng bền vững của Việt Nam. Ông cho biết đất nước đang từng bước hoàn thiện mô hình quản lý Di sản thế giới một cách hiệu quả, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, ngày 23/11/2024, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành (bổ sung nội luật hóa quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đưa ra quy định về đánh giá tác động di sản bối cảnh Di sản thế giới, xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ Di sản thế giới; gắn kết bảo tồn di tích, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Di sản thế giới, mục tiêu phục vụ cộng đồng tại địa phương ngày càng tốt hơn,...).

Phương Anh

 

Loading comments...

Bài viết liên quan