(TAP) - Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam chính thức công nhận hai di sản của TP. Huế (Việt Nam) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là Lễ hội mừng lúa mới đồng bào Cơ Tu và Tri thức dân gian về Bún bò Huế.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ký Quyết định số 2203/QĐ-BVHTTDL, chính thức đưa “Tri thức dân gian về Bún bò Huế” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như tiềm năng kinh tế mà món ăn mang lại cho TP. Huế nói riêng, cả nước nói chung.
Gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh, sinh hoạt cộng đồng, các làng nghề truyền thống như Vân Cù, Ô Sa, bún bò Huế phản ánh rõ nét tâm hồn, phong cách ẩm thực đặc trưng con người nơi đây. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Thành phố Huế
Món bún bò Huế là sự kết tinh giữa ẩm thực và văn hóa địa phương, không thể tách rời với các làng nghề truyền thống như Vân Cù và Ô Sa, hai làng nghề hàng trăm năm qua đã tạo nên sợi bún mềm, dai màu trắng ngà - nguyên liệu cốt lõi cho hương vị đặc trưng món ăn. Bún bò còn có sự kết hợp tinh tế từ nước lèo nấu bằng tôm khô, chân heo, tạo nên vị ngọt thanh; thịt bắp bò, giò heo cùng nước dùng màu đỏ ớt xen lẫn vị sả, ruốc. Người miền Trung vốn chịu ảnh hưởng điều kiện nóng ẩm, thiên tai nên ưa vị cay nồng. Họ cũng cho rằng hương vị này giúp họ bảo quản thực phẩm lâu hơn.
Vào năm 2014, đầu bếp, nhà phê bình nổi tiếng Anthony Bourdain đã giới thiệu trên kênh CNN rằng đây là “món súp tuyệt vời nhất” mà ông từng thưởng thức. Chỉ hai năm sau, bún bò Huế ghi tên trong Top 100 món ăn giá trị châu Á theo Tổ chức Kỷ lục châu Á. Năm 2023, trang Taste Atlas xếp Huế ở vị trí 28 ở danh sách 100 thành phố có ẩm thực xuất sắc toàn cầu; đánh giá bún bò như món ăn nhất định phải thử khi đến đây.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tri thức dân gian chế biến bún bò Huế được gìn giữ và phát huy bởi cộng đồng cư dân, đặc biệt là các nghệ nhân ẩm thực: Nghệ nhân dân gian Mai Thị Trà, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy, nghệ nhân nhân dân Tôn Nữ Thị Hà, nghệ nhân ưu tú Phan Tôn Gia Hiền,... Với tay nghề tinh xảo, họ đã bảo tồn các bí quyết nấu bún bò, từ khâu chọn thịt, hầm nước dùng, đến pha nêm gia vị và trang trí, chung tay giữ gìn nét tinh hoa ẩm thực vùng cố đô.
Song song với đó, việc ghi danh di sản còn mở ra cơ hội pháp lý, tạo nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế - du lịch địa phương; từng bước hoàn thiện chiến lược biến Huế thành “Thành phố sáng tạo UNESCO về ẩm thực”. Ngày 05/7/2025, sau quyết định đưa bún bò Huế vào danh sách di sản, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế cho biết: “Sở sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, nghệ nhân, cộng đồng tiếp tục triển khai các hoạt động truyền dạy, tôn vinh, quảng bá di sản, góp phần lan tỏa giá trị di sản Tri thức dân gian về Bún bò Huế đến với công chúng trong và ngoài nước, để món ăn này không chỉ là niềm tự hào của người Huế mà còn là biểu tượng văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”.
Ngoài bún bò Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-BVHTTDL ghi danh “Bhuôih Haro Tơme - Lễ hội mừng lúa mới” của người Cơ Tu ở các xã Nam Đông, Long Quảng, Khe Tre, TP. Huế vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Các hoạt động như múa chiêng trống, múa Pađil Yayă, dựng cột Xơnur diễn ra xuyên suốt, nhằm mong cầu một vụ mùa no đủ cho bản làng. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Thành phố Huế.
Người Cơ-tu ở Việt Nam là một trong những cư dân nói ngôn ngữ Nam Á; đại diện cho chi Katuic phía Bắc vùng phân bố ngữ hệ Môn-Khơ me, tập trung ở hai tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Ở thừa Thừa Thiên - Huế, họ cư trú phần lớn tại hai huyện Nam Đông và A Lưới. Với thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài 6 đến 9 tháng mỗi năm, người Cơ-tu trồng chủ yếu các giống lúa địa phương để chống chọi trước điều kiện khắc nghiệt. Vào tháng 5, 6 dương lịch, người ta bắt đầu trỉa lúa (công đoạn cuối trong quy trình làm nương, rẫy), đến tháng 10 thu hoạch lúa nếp, tháng 11, 12 thì thu hoạch lúa tẻ. Điều này cũng quy định thời gian tổ chức lễ hội mừng lúa mới người Cơ-tu - tức vào mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Buổi lễ ra đời nhằm thể hiện lòng biết ơn thần lúa Giàng Haro, ăn mừng sau một vụ mùa bội thu.
Trước khi làm lễ, người phụ nữ Cơ Tu lớn tuổi lên rẫy tuốt những bông lúa chín vàng đầu tiên đem về giã gạo nấu cơm. Cùng lúc đó, họ lấy lúa trên nhà kho xuống để nấu xôi, làm bánh; xuống suối bắt ốc, cua, cá,... Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình mà lễ ăn mừng lúa mới lớn hay nhỏ sẽ có lợn, gà, vịt và đôi khi có cả trâu,... Sau nghi lễ cúng, phần thức ăn còn được chia sẻ với làng xóm trong không khí đoàn kết cộng đồng. Các hoạt động như múa chiêng trống, múa Pađil Yayă, dựng cột Xơnur diễn ra xuyên suốt, mong cầu một vụ mùa no đủ cho bản làng.
Việc công nhận lễ hội Bhuôih Haro Tơme vào di sản văn hóa quốc gia là sự đánh giá cao của Nhà nước về giá trị, vai trò quan trọng của văn hóa cộng đồng Cơ Tu - một cộng đồng mang bản sắc vùng cao, góp phần làm phong phú bản đồ văn hóa Việt Nam.
Phuong Anh