logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Những cái “nhất” của các tỉnh thành Việt Nam sau ngày 1/7

Ngày đăng: 9/7/2025

(TAP) - Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới trong công cuộc tái cấu trúc địa giới hành chính quy mô cấp tỉnh, thành phố. Không chỉ tinh gọn về mặt tổ chức, lần điều chỉnh còn tạo ra loạt dấu ấn đặc biệt, định hình lại những cái “nhất” mới về dân số, diện tích hay đặc điểm địa lý ở từng vùng.

Thay đổi này bắt nguồn từ nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2025. Theo đó, bản đồ Việt Nam được điều chỉnh từ 63 xuống còn 34 đơn vị cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Mục tiêu của việc sắp xếp lại nhằm tinh giản bộ máy, hướng tới nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng, phân bổ nguồn lực, định hướng phát triển đồng đều hơn giữa các khu vực. Dưới đây là những điểm “nhất” nổi bật về dân số, diện tích đến độ dài đường bờ biển các tỉnh thành khi thực hiện sáp nhập.

1. Thành phố đông dân nhất nước

TP. HCM hiện trở thành thành phố đông dân nhất Việt Nam: Khoảng 14 triệu cư dân sinh sống trên diện tích 6.772,59 km². Việc gộp thêm hai địa phương lân cận Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy quy mô dân cư TP. HCM lên mức chưa từng thấy, tương đương dân số của một số quốc gia nhỏ. Cùng với quy mô đó, thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ; đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu về quy hoạch, hạ tầng giao thông, dịch vụ công để đáp ứng nhu cầu hình thành siêu đô thị, kết hợp sức bật lớn từ trung tâm tài chính quốc tế, mạng lưới metro phủ rộng.

Bên cạnh TP. HCM, sự kết hợp giữa An Giang và khu vực Kiên Giang trước đây cũng đưa An Giang lên vị trí tỉnh đông dân nhất các tỉnh, khoảng 4,95 triệu người trên diện tích gần 10.000 km². Điều này đã minh chứng cho chuyển dịch kinh tế giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vốn có tốc độ đô thị hóa nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực thông qua mô hình tỉnh mở rộng. Ở đầu ngược lại, tỉnh Lai Châu hiện là địa phương có dân số ít nhất, chỉ khoảng 500.000 người, mật độ dân cư khoảng 50 - 60 người/km².

Những cái “nhất” của các tỉnh thành Việt Nam sau ngày 1/7Việc gộp thêm hai địa phương lân cận Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy quy mô dân cư TP. HCM lên mức chưa từng thấy, tương đương dân số của một số quốc gia nhỏ. Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia

2. Tỉnh thành có diện tích lớn nhất nước

Tỉnh Lâm Đồng đã vươn lên trở thành tỉnh rộng nhất Việt Nam sau sáp nhập Đắk Nông và Bình Thuận, diện tích tự nhiên đạt khoảng 24.233 km², dân số hơn 3,8 triệu người, có 124 xã, phường, đặc khu Phú Quý. Quy mô của Lâm Đồng vượt trội so với tỉnh lớn nhất trước đây là Nghệ An (16.500 km²). Diện tích mới tạo ra lợi thế trên nhiều lĩnh vực: Phát triển du lịch sinh thái quanh Đà Lạt, cao nguyên Lâm Viên, nông nghiệp công nghệ cao, trữ lượng tài nguyên khoáng sản như bauxite. Sở hữu lãnh thổ trải dài từ cao nguyên đến biển, Lâm Đồng được kỳ vọng trở thành tâm điểm cho các dự án hạ tầng, đầu tư, dịch vụ chất lượng cao.

Ngược lại, Hưng Yên trở thành tỉnh diện tích nhỏ nhất chỉ khoảng 2.514,81 km². Tuy nhiên, điểm thú vị là dù nhỏ, mật độ cư dân tại Hưng Yên lại tương đối cao (khoảng 1.400 người/km²). Cơ cấu cho thấy tỉnh sẽ tập trung vào phát triển đô thị hóa, nâng cấp giao thông kết nối Hà Nội, các tỉnh lân cận, đồng thời đặt ra yêu cầu quản lý quỹ đất hiệu quả để hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

3. Thành phố có mật độ dân số cao nhất nước

Thủ đô Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về mật độ dân cư, khoảng 2.600 người trên mỗi km². TP. HCM theo sát phía sau, ở mức khoảng 2.000 người/km². Những con số trên phần nào cho thấy tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi quỹ đất dành cho phát triển chưa theo kịp nhịp gia tăng dân số. Xếp ở vị trí thứ ba, thành phố Hải Phòng ghi nhận mật độ hơn 1.460 người/km².

Những cái “nhất” của các tỉnh thành Việt Nam sau ngày 1/7Hà Nội hiện là đô thị có mật độ dân số cao nhất cả nước với khoảng 2.600 người/km². Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Thành phố Hà Nội

4. Tỉnh giáp nhiều tỉnh, thành nhất nước

Tỉnh Phú Thọ với vị trí địa lý hành chính từ ngày 1/7 là nơi tiếp giáp 7 tỉnh, thành khác - nhiều nhất cả nước, gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau tái cấu trúc, nơi đây vẫn giữ vai trò then chốt vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trở thành “cửa ngõ”, trung chuyển quan trọng giữa Hà Nội, vùng Tây Bắc, Thái Nguyên, các tỉnh phía Bắc. Ở góc độ phát triển kinh tế - văn hóa, vị trí này tạo nên lợi thế cùng thách thức riêng về phát triển hạ tầng liên tỉnh, giao thương, logistics, du lịch vùng.

5. Tỉnh có đường bờ biển dài nhất nước

Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành địa phương có đường bờ biển dài nhất cả nước với tổng chiều dài khoảng 490 km (Khánh Hòa: 385 km, Ninh Thuận: 105 km). Cả hai khu vực đều nổi bật bởi hệ thống đường ven biển trải dài, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và thu hút du lịch. Đáng chú ý, tuyến đường ven biển khi kết nối liền mạch giữa hai vùng sẽ tạo nên cung đường ven biển dài nhất Việt Nam, mở ra nhiều tiềm năng khai thác cảnh quan, giao thông, dịch vụ ven biển.

Nhìn chung, những kỷ lục nổi bật sau sáp nhập hành chính vừa là thông tin thú vị, vừa phản ánh xu hướng phát triển mới của Việt Nam. Các địa phương giữ vị trí “đầu bảng” như TP. HCM đang đứng trước áp lực không chỉ về quy hoạch đô thị mà còn về việc thực hiện hóa mục tiêu trở thành siêu đô thị quốc gia. Trong khi đó, tỉnh diện tích lớn như Lâm Đồng lại sở hữu tiềm năng phát triển từ cảnh quan đa dạng, tài nguyên phong phú. Các địa phương có thể kết hợp lợi thế vùng để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, biển đảo hay trải nghiệm cộng đồng; từ đó tăng sức hút du khách nội địa và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Những cái “nhất” của các tỉnh thành Việt Nam sau ngày 1/7

Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa đã đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành địa phương có đường bờ biển dài nhất cả nước. Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa

Phuong Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan