(TAP) - Có những nơi chỉ cần đặt chân đến một lần, cả đời khắc ghi. Hội An là một nơi như thế – một viên ngọc trầm mặc cổ kính nằm yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng, nơi thời gian như khựng lại giữa tiếng chuông chùa vang vọng, ánh hoàng hôn vàng ruộm trên mái ngói phủ rêu xanh.
Đô thị cổ Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam), một trong những điểm đến hiếm hoi trên thế giới giữ được gần như nguyên vẹn dáng hình của một thương cảng quốc tế từ thế kỷ 16. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hội An từng là trung tâm giao thương sôi động, nơi những con thuyền từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Tây Ban Nha... cập bến, mang theo sản vật, câu chuyện và cả dấu ấn văn hóa của nhiều nền văn minh phương Đông lẫn phương Tây. Sự giao thoa ấy đã thấm sâu vào từng viên gạch, từng nếp mái, tạo nên một Hội An mang bản sắc riêng biệt không thể trộn lẫn.
Hội An – Viên ngọc trầm mặc bên dòng sông Hoài. Nguồn: Cổng thông tin Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam
Trải qua bao biến động thời gian, Hội An vẫn giữ sự trầm mặc của mình. Từng mái nhà nhuốm màu rêu phong, từng con hẻm nhỏ lát đá ong dẫn lối ta bước vào một miền ký ức tĩnh lặng, nơi tiếng rao đêm, tiếng guốc mộc dường như chưa bao giờ vắng bóng. Hội An không rực rỡ, không ồn ào. Nơi đây quyến rũ bằng sự giản dị, tinh tế trong từng chi tiết. Những ngôi nhà cổ được thiết kế khéo léo để đón ánh sáng, gió trời, mang đến cảm giác sống chan hòa cùng thiên nhiên. Phố xá quy hoạch theo hình bàn cờ, uốn mình ôm lấy dòng sông Hoài như ôm trọn cả linh hồn của đô thị cổ. Mỗi góc phố như một mảng ký ức sống động: là gánh hàng rong với cao lầu đậm đà, là tiệm bánh mì nóng hổi ven đường, là tiếng rao chậm rãi bên những quầy hàng thủ công mỹ nghệ đậm hồn xứ Quảng.
Và trong hành trình đến với Hội An, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua khoảnh khắc thả đèn hoa đăng trên sông Hoài. Khi màn đêm buông xuống, cả khu phố cổ sáng bừng trong ánh đèn lồng lung linh huyền ảo. Những con thuyền nhỏ lặng lẽ rẽ nước, chở ước nguyện bình an của du khách gần xa. Mỗi chiếc đèn tự một lời gửi gắm lặng lẽ mà sâu lắng trôi theo dòng nước, mang theo những niềm riêng về nơi xa xôi nào đó trong tâm tưởng.
Chùa Cầu – biểu tượng hơn 400 năm tuổi của phố cổ Hội An. Nguồn: Cổng thông tin Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam
Với những nét đẹp, giá trị văn hóa riêng biệt, ngày 04/12/1999, UNESCO chính thức công nhận Hội An là Di sản Văn hóa Thế Giới. Hơn nữa, xuyên suốt nhiều năm qua, Hội An đã và đang được bạn bè quốc tế hết lời ngợi ca. CNN gọi nơi đây là “một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á”. Tạp chí Travel + Leisure (Hoa Kỳ) vinh danh Hội An là “Điểm đến tuyệt vời nhất thế giới” năm 2019. Ngày 16/7 cùng năm, hình ảnh Chùa Cầu – biểu tượng hơn 400 năm tuổi của phố cổ Hội An xuất hiện trên trang chủ Google thông qua Google Doodle do họa sĩ Shanti Rittgers thực hiện. Ba tháng sau, Hội An lại ghi dấu ấn khi được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) trao danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”.
Phố cổ Hội An về đêm. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam
Thế nhưng, viên ngọc dù quý đến đâu cũng cần gìn giữ đúng cách để không bị hao mòn. Theo cảnh báo mới nhất từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ VHTTDL) ngày 06/6/2025, Hội An hiện đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Từ sự phát triển đô thị thiếu kiểm soát khiến ranh giới giữa bảo tồn và thương mại bị xóa nhòa, cho đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với lũ lụt, sạt lở bờ sông, môi trường sống đang dần suy giảm. Thêm vào đó, làn sóng du lịch đại trà cũng khiến không ít di tích bị biến dạng về công năng, giá trị văn hóa truyền thống bị pha loãng, thậm chí đánh mất bản sắc ban đầu – điều làm nên linh hồn của Hội An. Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ VHTTDL xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Hội An không cần trở nên hiện đại để thu hút người đến. Chính sự cổ kính, chậm rãi, chân thành của nơi này là điều khiến du khách yêu mến và lưu luyến. Chúng ta có thể phát triển du lịch, nhưng phải phát triển bằng sự tôn trọng và thấu hiểu để Hội An không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi chốn để trở về, trong lòng mỗi người đã từng đi qua.
Trang Thanh