logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Dự trữ và bảo quản thực phẩm ra sao trong mùa mưa bão?

Ngày đăng: 22/7/2025

(TAP) - Trong các đợt mưa bão kéo dài dẫn đến ngập úng diện rộng, mất điện thường xuyên khiến việc tiếp cận nguồn thực phẩm, nước uống sạch trở nên khó khăn. Với bối cảnh đó, việc lên kế hoạch dự trữ và bảo quản thực phẩm hợp lý là điều thiết yếu để mỗi hộ gia đình chủ động ứng phó mưa bão tốt hơn.

Theo khuyến cáo từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế Việt Nam, mỗi hộ dân nên chủ động dự trữ nước uống tối thiểu cho ba ngày, nhằm ứng phó các tình huống khẩn cấp như mất điện hoặc hệ thống cấp nước ngưng hoạt động khi mưa bão kéo dài. Vào thời gian ngập lụt, nước đóng chai và nước đun sôi để nguội luôn là sự lựa chọn ưu tiên để đảm bảo sức khỏe. 

Về phương cách bảo quản nước uống, nên trữ nước bằng các dụng cụ có nắp đậy kín; chọn bình chứa làm từ nhựa thực phẩm hoặc thủy tinh, rửa sạch bằng nước sôi, để ráo rồi mới sử dụng; không dùng lại các chai từng đựng hóa chất hoặc thực phẩm nặng mùi; hạn chế để nước tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Nước nên được đặt nơi cao ráo, thoáng mát, vị trí nên đặt cao, thoáng, tách biệt chỗ chứa rác, nhà vệ sinh hoặc khu vực dễ bị ngập úng. Ở tình huống ngập nước, tuyệt đối không dùng nước nghi nhiễm bẩn để uống, nấu ăn hay vệ sinh cá nhân. Nếu nghi ngờ về nguồn nước, nên lọc và đun sôi kỹ lưỡng để bảo vệ sức khỏe.

Dự trữ và bảo quản thực phẩm ra sao trong mùa mưa bão?

 Dự trữ và bảo quản thực phẩm ra sao trong mùa mưa bão. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế Việt Nam

Đối với các loại thực phẩm như thịt, bao gồm heo, gà, bò có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 - 5 ngày nếu nhiệt độ duy trì dưới 4°C. Để giữ lạnh tốt hơn, nên chia thịt thành từng phần nhỏ, bọc kín bằng màng thực phẩm hoặc túi zip, sau đó xếp sát nhau ở ngăn mát. Khi mất điện kéo dài, cần hạn chế mở tủ lạnh để giữ duy trì khí lạnh. Mỗi lần mở cửa tủ sẽ khiến luồng hơi lạnh thoát ra, làm thực phẩm nhanh giảm chất lượng. Nếu nhận thấy tủ đã giảm nhiệt đáng kể, nên nhanh chóng chế biến thịt để dùng ngay. 

Về rau củ, người dân hãy ưu tiên mua những loại có thể trữ ở nhiệt độ thường như bầu, bí, khoai lang, khoai tây, hành tây, cải thìa. Đồng thời, cần đặt tại nơi cao ráo, thoáng gió, tránh ánh nắng trực tiếp. Với rau đã rửa, phải để thật ráo nước, bọc bằng giấy báo hoặc khăn giấy khô, rồi mới cho vào túi để ở nơi mát. Nếu không thấm nước kỹ, rau củ sẽ nhanh hỏng bởi dư thừa độ ẩm.

Còn riêng với trứng, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15 - 25°C khoảng 15 - 20 ngày nếu không rửa trước khi cất. Lớp phấn tự nhiên trên vỏ trứng giúp ngăn vi khuẩn thâm nhập. Đặt trứng vào khay hoặc hộp có lỗ thông khí, để đầu nhọn quay xuống giúp lòng đỏ nằm ổn định, giúp lâu hỏng. Nếu có tủ lạnh, nên cho vào ngăn mát, để sâu bên trong thay vì ở cánh cửa - nơi thường xuyên thay đổi nhiệt độ do hành động đóng mở tủ.

Dự trữ và bảo quản thực phẩm ra sao trong mùa mưa bão?

Ảnh minh họa. Nguồn: www.prevention.com

Trường hợp mất điện, nhóm thực phẩm đóng hộp và khô như mì ăn liền, lương khô, xúc xích, bánh ngọt, sữa tiệt trùng luôn là lựa chọn đáng tin cậy nhờ vào thời hạn sử dụng lâu, phù hợp duy trì năng lượng. Đồng thời, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp và tách biệt với các nguồn sinh nhiệt như bếp, máy nóng lạnh. Sau khi mở bao bì, nếu chưa dùng hết, nên buộc kín lại bằng dây hoặc đảm bảo hộp kín để ngăn chặn khí ẩm, côn trùng xâm nhập.

Ngoài ra, tủ đông đầy thực phẩm có thể giữ mức nhiệt ổn định tối đa 48 giờ nếu cửa tủ luôn đóng, tủ lạnh bình thường chỉ giữ mát được khoảng 4 giờ. Sau thời gian này, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, trứng, sữa, thức ăn thừa,... cần được loại bỏ, dù chưa có dấu hiệu ôi thiu, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài các quy tắc bảo quản trên, việc vệ sinh tay, dụng cụ chế biến, khu vực bếp trước và sau chế biến là điều bắt buộc nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. 

Nhu Nguyen

Loading comments...

Bài viết liên quan