(TAP) - Mới đây, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quyết định thu hồi 8 số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Đức do Công ty TNHH Thương mại Vạn Minh (số nhà 10, ngõ 28, phố Phương Mai, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Theo Quyết định số 370/QĐ-QLD ngày 22/7/2025 của Cục Quản lý Dược Việt Nam, 8 sản phẩm bị thu hồi phiếu công bố mỹ phẩm bao gồm: Bel-Energen Daydream Cleansing Foam; Sun Protection/SPF 50+/Very High; Line A Cream; Bel-Energen PhytoSensation Elixir; Intensa Skin Renewal Oleo Serum 10%; Line A Clarity Concentrate; Samtea perfect recovery Body cream; Sun protection face elixir SPF 30. Tất cả đều được sản xuất bởi công ty Belcos Cosmetic tại Đức, sau đó Công ty Vạn Minh nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. Quyết định thu hồi xuất phát từ việc các sản phẩm có công thức không phù hợp hồ sơ công bố; có nhãn mác ghi sai lệch về tính chất, công dụng thực tế, vi phạm quy định về an toàn, minh bạch thông tin.
Danh mục các sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ Đức của Công ty TNHH Thương mại Vạn Minh bị thu hồi. Nguồn: Cục Quản lý Dược Việt Nam
Đến ngày 23/7, Cục Quản lý dược ban hành thêm công văn số 2056/QLD-MP, quyết định tạm ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty Vạn Minh, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày công bố. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ hồ sơ đề nghị cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm nào do công ty nộp trước 23/7 đều không còn giá trị pháp lý. Khi hết thời gian tạm ngừng, nếu muốn tiếp tục công bố sản phẩm mỹ phẩm mới, doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục hiện hành.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành kiểm tra, xử lý sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trước vụ việc Công ty TNHH Thương mại Vạn Minh, Cục Quản lý Dược cũng liên tiếp xử lý nhiều trường hợp vi phạm tương tự liên quan đến công bố mỹ phẩm.
Gần đây nhất, vào tháng 6 và 7/2025, cơ quan này đã ban hành hàng loạt quyết định thu hồi phiếu công bố mỹ phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Công ty CP Dược phẩm Phú Thái, Công ty TNHH Shynh Beauty, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Linh Anh. Lý do thu hồi chủ yếu là sản phẩm có công thức không phù hợp với hồ sơ công bố, ghi nhãn sai lệch tính năng hoặc thiếu hồ sơ thông tin theo quy định. Riêng Công ty Linh Anh bị thu hồi tới 25 sản phẩm chỉ trong một đợt kiểm tra.
Những vụ việc trên cho thấy xu hướng gia tăng vi phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm nhập khẩu tại Việt Nam; đồng thời thể hiện sự quyết liệt của Cục Quản lý Dược ở việc siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính minh bạch cho nhiều sản phẩm lưu hành trên thị trường. Trước tình hình đó, người tiêu dùng được khuyến cáo nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ công bố hợp pháp để đảm bảo an toàn sức khỏe. Việc tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm tra nhãn mác, giấy tờ liên quan trước khi mua là cách phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn do sử dụng mỹ phẩm không đạt chuẩn.
Việc tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm tra nhãn mác, giấy tờ liên quan trước khi mua là cách phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn do sử dụng mỹ phẩm không đạt chuẩn. Ảnh minh họa.
Phương Khánh