logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Truyền thông cho rằng chính quyền đề xuất cải tổ Bộ Ngoại Giao, người trong cuộc nói gì?

Ngày đăng: 22/4/2025

(TAP) - Một dự thảo sắc lệnh hành pháp đề xuất cải tổ Bộ Ngoại Giao (DOS) bởi chính quyền Donald Trump được truyền thông đăng tải đang gây xôn xao dư luận. Nếu được ban hành, đây sẽ là một trong những cuộc tái cơ cấu quy mô nhất của DOS kể từ khi thành lập cơ quan này vào năm 1789.

Theo New York Times – tờ báo đầu tiên thông tin về kế hoạch, bản dự thảo đề xuất này bao gồm 16 trang, kêu gọi tái cấu trúc toàn diện Bộ Ngoại giao (Department of State, viết tắt: DOS) với trọng tâm cắt giảm mạnh hoạt động tại vùng cận Sahara (châu Phi), đồng thời giải thể các văn phòng liên quan đến khí hậu, người tị nạn, nhân quyền, dân chủ và bình đẳng giới. Cũng theo bản dự thảo, các văn phòng hiện tại sẽ được tổ chức lại thành 04 khu vực: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Trung Đông và Âu Á. Đồng thời, nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán “không thiết yếu” (non-essential), điển hình như ở châu Phi, cận Sahara có thể sẽ bị đóng cửa. Văn phòng các tổ chức quốc tế, đơn vị liên lạc với Liên Hợp Quốc (United Nations, viết tắt: UN) cũng có thể bị giải thể, trong khi đó những hoạt động ngoại giao tại Canada dự kiến sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Truyền thông cho rằng chính quyền đề xuất cải tổ Bộ Ngoại Giao, người trong cuộc nói gì?

Truyền thông nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang có kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn nhất kể từ khi thành lập cơ quan vào năm 1789 (Nguồn: Department of State)

Lệnh này cũng hướng đến việc loại bỏ nhiều sáng kiến hiện hành, bao gồm: Học bổng Fulbright – nay chỉ giới hạn cho chương trình thạc sĩ liên quan đến an ninh quốc gia và các ngôn ngữ chiến lược; học bổng tại Đại học Howard (Howard University) dành cho người da màu; các chương trình thuộc diện Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (Diversity, equity, and inclusion, viết tắt: DEI). Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất phân công nhân sự ngoại giao theo khu vực xuyên suốt sự nghiệp, thay vì triển khai luân phiên như trước. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất xóa bỏ kỳ thi tuyển dụng đối ngoại, chuyển sang quy trình tuyển dụng dựa trên “phù hợp với tầm nhìn chính sách đối ngoại của Tổng thống” (alignment with the president’s foreign policy vision).

Mặc dù vậy, DOS đã phủ nhận thông tin này khi người phát ngôn cơ quan khẳng định với Tạp chí Newsweek, tài liệu được truyền thông đưa tin là giả mạo. Ngày 20/4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Marco Rubio có bài đăng trên mạng xã hội “X” (@marcorubio) bác bỏ thông tin về cuộc cải tổ, cho rằng đây là “tin giả” (fake news) và báo chí chính là “nạn nhân của một trò lừa bịp” (victim to another hoax). Trong khi đó, truyền thông quốc tế (The Guardian) dẫn lời quan chức ngoại giao cao cấp ở châu Phi (giấu tên) cho biết, bản thảo được lan truyền nội bộ có thể không đầy đủ như những gì đã được truyền thông mô tả. Trong khi đó, một người dùng trên diễn đàn Reddit chuyên về ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ nghi ngờ rằng, dự thảo bị rò rỉ có thể là động thái nhằm tạo điều kiện cho phiên bản cải tổ ít cực đoan hơn, nhưng vẫn gây tranh cãi được chấp nhận.

Truyền thông cho rằng chính quyền đề xuất cải tổ Bộ Ngoại Giao, người trong cuộc nói gì?

Bài đăng của Ngoại trưởng Marco Rubio phản bác nội dung do truyền thông đăng tải (Nguồn: X “@marcorubio”)

Bên cạnh bản dự thảo chính, ghi nhận có thêm 02 tài liệu khác đang lưu hành, bao gồm: Đề xuất cắt giảm 50% ngân sách DOS và đóng cửa 10 đại sứ quán cùng 17 lãnh sự quán. Theo số liệu hiện tại, DOS có khoảng 13.000 thành viên cơ quan đối ngoại, 11.000 nhân viên công vụ và 45.000 nhân viên địa phương trên toàn thế giới. Nếu lệnh được ký, các thay đổi có thể có hiệu lực ngay từ ngày 1/10 tới, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong định hình vai trò toàn cầu của Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Kelvin Huynh

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px