(TAP) - Trung Quốc công bố áp dụng mức thuế chống bán phá giá (AD) cao nhất lên tới 74,9% đối với nhựa kỹ thuật “copolymer POM” nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Đài Loan. Quyết định này đánh dấu kết thúc cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 5/2024, được tiến hành sau khi Washington, D.C mạnh tay tăng thuế lên xe điện, chip máy tính và các mặt hàng khác của Bắc Kinh.
Ngày 18/5, Bộ Thương mại Trung Quốc (Ministry of Commerce of the People's Republic of China, viết tắt: MOFCOM) cho biết, “copolymer POM” là loại nhựa có khả năng thay thế một phần các kim loại như đồng và kẽm. Chất liệu này được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử lẫn y tế. Vào tháng 1, MOFCOM thông báo, nước này phát hiện Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Đài Loan có hành vi bán với giá thấp hơn mức hợp lý. Bắc Kinh sau đó đã thực hiện cuộc điều tra chống bán phá giá (Antidumping Duty, viết tắt: AD) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/1. Quyết định này được đưa ra sau khi Washington, D.C tăng thuế xe điện, chip máy tính và các mặt hàng khác của đất nước tỷ dân.
Trung Quốc công bố áp thuế chống bán phá giá nhựa từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Đài Loan (Nguồn: Ministry of Commerce of the People's Republic of China)
Theo kết luận mới nhất về cuộc điều tra do truyền thông Hoa Kỳ (CNBC News) trích dẫn, hàng nhập khẩu từ Washington, D.C sẽ chịu mức thuế cao nhất 74,9%. Trong khi những sản phẩm tương tự của EU bị áp thuế AD lên đến 34,5%. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc đưa ra mức thuế chung 35,5%, riêng công ty Asahi Kasei Corporation (Tokyo) được áp dụng mức thấp hơn, chỉ 24,5%. Các sản phẩm từ Đài Loan chịu thuế chung là 32,6%, tuy nhiên 02 doanh nghiệp nhựa khác thuộc nước này là Formosa Plastics Corporation và Polyplastics Taiwan, lần lượt chịu thuế 4% và 3,8%.
Trong bối cảnh các biện pháp thương mại ngày càng được siết chặt, chuyên gia do CNBC khảo sát kỳ vọng, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cụ thể là cuộc điều tra AD với sản phẩm nhựa, sẽ sớm hạ nhiệt. Điều này là hoàn toàn có sở sở khi hai cường quốc hàng đầu thế giới gần đây đã đạt được một thỏa thuận tạm hoãn thuế kéo dài 90 ngày, trong đó có nội dung đồng ý cắt giảm một phần thuế quan. Trước đó vào ngày 16/5, truyền thông nhà nước Bắc Kinh – tờ Global Times cho rằng, thỏa thuận thương mại nên được gia hạn để tạo điều kiện cải thiện quan hệ thương mại song phương. Cùng thời điểm, nhóm Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt: APEC) đưa ra cảnh báo trong một thông cáo chung sau cuộc họp tại Hàn Quốc. Thông cáo nêu rõ, hệ thống thương mại toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên duy trì đối thoại và hợp tác để ổn định thị trường quốc tế.
Chuyên gia kỳ vọng, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ sớm hạ nhiệt (Nguồn: pexels)
Kane Nguyen