(TAP) - Bỏ qua bối cảnh địa chính trị toàn cầu đầy biến động, hãy cùng điểm qua top 10 quốc gia yên bình nhất năm 2025. Với tỷ lệ tội phạm thấp, không tham gia vào các xung đột chính trị, Iceland tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2025 do Viện Kinh tế & Hòa bình Australia công bố
Vừa qua, Viện Kinh tế & Hòa bình (Institute for Economics & Peace. Viets tắt: IEP) có trụ sở tại Úc đã công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (Global Peace Index. Viết tắt: GPI) 2025. Đây là báo cáo thường niên ra đời từ năm 2007, xếp hạng 163 quốc gia và vùng lãnh thổ tương ứng 99,7 % dân số thế giới, dựa trên 23 tiêu chí chuẩn hóa theo thang 1- 5. Trong đó gồm 60 % chỉ số “hòa bình nội tại” (mức độ an toàn, ổn định chính trị, tội phạm, xung đột xã hội,…) và 40 % chỉ số “hòa bình đối ngoại” (khả năng can dự, quân sự hóa,…).
Giữa lúc tình hình địa chính trị toàn cầu đầy biến động, GPI như một thước đo uy tín, phản ánh mức độ ổn định, an toàn của các quốc gia. Năm 2025 đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp hòa bình toàn cầu suy giảm với 87 quốc gia có chỉ số xấu đi và chỉ 74 quốc gia cải thiện. Đáng chú ý, khu vực Nam Á có mức giảm nghiêm trọng nhất do căng thẳng chính trị và bất ổn nội bộ trong khi Nam Mỹ là khu vực duy nhất có cải thiện đáng kể.
GPI cũng ghi nhận xuyên suốt 5 năm qua, có 98 quốc gia tham gia ít nhất một phần vào các xung đột đối ngoại, tăng mạnh so với 59 quốc gia vào năm 2008. Phần lớn trường hợp, các quốc gia hỗ trợ chính phủ sở tại chống lực lượng phiến quân vũ trang hoặc khủng bố. Điều này cho thấy môi trường hòa bình đang ngày càng chịu áp lực lớn. Dù vậy, bức tranh toàn cảnh không hoàn toàn u ám khi vẫn có những quốc gia tiếp tục duy trì mức độ hòa bình đáng ngưỡng mộ. Sau đây là top 10 quốc gia yên bình nhất năm 2025 theo báo cáo Global Peace Index 2025:
Top 5 quốc gia hòa bình nhất và kém hòa bình nhất theo từng tiêu chí theo Global Peace Index 2025
1. Iceland (GPI: 1.095) - 17 năm giữ vững ngôi đầu
Không có xung đột nội địa lẫn quốc tế, mức độ quân sự hóa tối thiểu và xã hội có niềm tin cao vào chính phủ, Iceland tiếp tục giữ vững vị trí quốc gia hòa bình nhất thế giới năm thứ 17 liên tiếp. Đạt điểm tuyệt đối ở chỉ số xung đột (1.000), Iceland là biểu tượng về quản trị hiệu quả, ổn định xã hội và khả năng giữ vững trung lập giữa một thế giới hỗn loạn.
2. Ireland (GPI: 1.260) – Sức mạnh đến từ dân chủ và trung lập
So với năm 2024, vị trí của Ireland không thay đổi. Sự cải thiện về chỉ số an toàn - an ninh cùng tỷ lệ giam giữ thấp cho thấy hiệu quả của thể chế dân chủ ổn định, chính sách đối ngoại trung lập. Ngoài ra, Ireland hiện là một trong những quốc gia có mức quân sự hóa thấp nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
3. New Zealand (GPI: 1.282) – Dẫn đầu châu Á – Thái Bình Dương
Vươn lên hai bậc so với năm trước, New Zealand có mức độ hòa bình nội tại cao và cải thiện mạnh về kiểm soát biểu tình bạo lực (Ảnh minh họa)
Vươn lên hai bậc so với năm trước, New Zealand có mức độ hòa bình nội tại cao và cải thiện mạnh về kiểm soát biểu tình bạo lực. Quốc gia này cũng nổi bật nhờ cảnh quan thiên nhiên, chất lượng sống cao, hệ thống pháp luật hiệu quả.
4. Áo (GPI: 1.294) – Hòa bình giữa lòng châu Âu
Dù giảm một bậc, Áo vẫn duy trì vị trí vững chắc ở top đầu nhờ sự ổn định chính trị, hệ thống phúc lợi hiệu quả và vị trí chiến lược ở trung tâm châu Âu. Thủ đô Vienna tiếp tục nằm trong nhóm thành phố đáng sống nhất thế giới.
5. Thụy Sĩ (GPI: 1.294) – Trung lập nhưng không bị động
Duy trì điểm số gần như không đổi, Thụy Sĩ là quốc gia ít tham gia vào xung đột, có nền tảng chính trị - xã hội rất ổn định. Hệ thống ngoại giao mạnh, tội phạm thấp giữ vai trò yếu tố then chốt giúp Thụy Sĩ giữ được sự an toàn dài hạn.
6. Singapore (GPI: 1.357) – Điểm sáng Đông Nam Á
Đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ hòa bình, Singapore gây ấn tượng bởi khả năng quản lý an ninh nội địa hiệu quả, pháp luật nghiêm minh, nền chính trị ổn định (Ảnh minh họa)
Đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ hòa bình, Singapore gây ấn tượng bởi khả năng quản lý an ninh nội địa hiệu quả, pháp luật nghiêm minh, nền chính trị ổn định. Mặc dù chi phí sinh hoạt cao, quốc đảo vẫn thu hút mạnh mẽ nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống giáo dục tiên tiến cùng chất lượng sống an toàn – những yếu tố hấp dẫn cho cả người tìm kiếm cơ hội phát triển lẫn kế hoạch định cư lâu dài.
7. Bồ Đào Nha (GPI: 1.371) – Trở lại top đầu
Tăng một bậc so với năm 2024, Bồ Đào Nha ghi nhận những cải thiện đáng kể về nhận thức tội phạm và mức độ ổn định chính trị. Quốc gia này thuộc nhóm có tỷ lệ quân sự hóa thấp nhất châu Âu, đồng thời ghi dấu ấn nhờ chất lượng sống cao và sức hút mạnh mẽ du khách quốc tế.
8. Đan Mạch (GPI: 1.393) – Chất lượng sống cao, an ninh vững
Tuy giảm một bậc do áp lực tăng chi tiêu quốc phòng, Đan Mạch vẫn duy trì được vị trí cao nhờ hệ sinh thái phúc lợi mạnh, tin cậy xã hội cao và chất lượng y tế hàng đầu thế giới.
9. Slovenia (GPI: 1.409) – Viên ngọc ẩn giữa châu Âu
Slovenia giữ vững vị trí trong top 10 khi tỷ lệ tội phạm thấp, ổn định chính trị và mức độ quân sự hóa hạn chế (Ảnh minh họa)
Slovenia giữ vững vị trí trong top 10 khi tỷ lệ tội phạm thấp, ổn định chính trị và mức độ quân sự hóa hạn chế. Quốc gia này được đánh giá cao về chính sách môi trường và ví như “viên ngọc giấu kín” của châu Âu.
10. Phần Lan (GPI: 1.420) – An ninh xã hội giữa môi trường căng thẳng
Tăng một bậc so với năm trước, Phần Lan trở lại top 10 nhờ cải thiện nhận thức tội phạm và điểm số an toàn - an ninh cao. Ngoài ra, quốc gia Bắc Âu liên tục ghi danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Hòa bình không xuất phát từ mặc định tự nhiên mà hình thành qua quá trình đầu tư lâu dài vào thể chế minh bạch, pháp quyền vững chắc và hệ thống an sinh xã hội bao trùm. Những quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng GPI 2025 phản ánh rõ chiến lược phát triển đó.
Trong bối cảnh toàn cầu đối diện khủng hoảng khí hậu, cạnh tranh tài nguyên, bất ổn thị trường, suy giảm niềm tin vào thể chế, báo cáo GPI bên cạnh đóng vai trò xếp hạng còn gợi nhắc thế giới về giá trị cốt lõi của quản trị hiệu quả, an ninh toàn diện cùng tinh thần trách nhiệm chung về việc vun đắp một nền hòa bình lâu dài.
Hoang Nam