(TAP) - Vào ngày 01/7 (giờ địa phương), Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết đình chỉ tạm thời chức vụ Thủ tướng đối với bà Paetongtarn Shinawatra, trong lúc chờ xem xét vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm liên quan đến đoạn ghi âm cuộc gọi bị rò rỉ giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia, ông Hun Sen.
Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan vào ngày 01/7. Nguồn: Ảnh cắt từ Facebook Chính phủ Thái Lan (ไทยคู่ฟ้า)
Theo thông tin từ giới truyền thông Thái Lan, phán quyết được đưa ra sau khi cả 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp nhất trí tiếp nhận đơn kiến nghị từ 36 thượng nghị sĩ, do Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Mongkol Surasajja đệ trình. Sau đó, với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án quyết định đình chỉ bà Paetongtarn khỏi chức vụ Thủ tướng. Tuy nhiên, bà vẫn được phép tiếp tục giữ vai trò Bộ trưởng Văn hóa trong nội các mới. Xuyên suốt thời gian Thủ tướng tạm quyền bị đình chỉ, một Phó Thủ tướng sẽ đảm nhận quyền điều hành chính phủ cho đến khi Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Chính phủ Thái Lan hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về quyết định đình chỉ.
Đoạn ghi âm cuộc điện thoại ngày 15/6 giữa bà Paetongtarn và ông Hun Sen bị tiết lộ hôm 18/6, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong nội bộ Thái Lan. Nguồn: Trang Facebook cá nhân của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen
Như TAPNews đã đưa tin trước đó, bê bối trên bắt nguồn từ đoạn ghi âm cuộc điện thoại ngày 15/6 giữa bà Paetongtarn và ông Hun Sen bị rò rỉ trên mạng hôm 18/6, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong nội bộ Thái Lan. Trong đoạn ghi âm, bà Paetongtarn bày tỏ lo ngại về tỷ lệ ủng hộ sụt giảm sau căng thẳng leo thang ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Đáng chú ý, bà gọi ông Hun Sen là “chú” và đề nghị ông phớt lờ các phát ngôn của phe đối lập, bao gồm cả Tư lệnh Quân khu 2 - Tướng Boonsin Padklang, người đang phụ trách khu vực biên giới phía đông. Bà nhận định rằng những phát biểu của vị tướng này "không mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia".
Vụ việc đã đẩy chính phủ liên minh do bà Paetongtarn lãnh đạo vào tình thế mong manh. Đến ngày 19/6, bà Paetongtarn đã tổ chức họp báo chính thức sau cuộc họp khẩn với các lãnh đạo quân sự cấp cao; thể hiện sự tiếc nuối sâu sắc và khẳng định không hề hay biết cuộc trò chuyện bị ghi âm và phát tán. Bà bày tỏ: “Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân Thái Lan. Tôi hoàn toàn không biết cuộc trò chuyện đó sẽ bị ghi lại và công bố rộng rãi như vậy”. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh vụ việc là lời cảnh tỉnh để bà và các lãnh đạo chính trị cần thận trọng hơn trong phát ngôn, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết quốc gia trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay. Bà nói thêm: “Đây không còn là một sự cố nhỏ - nó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Giờ là lúc tất cả chúng ta cần hợp tác và thể hiện sự thống nhất mạnh mẽ”.
Bên cạnh đó, cùng ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gửi công hàm phản đối chính thức đến Chính phủ Campuchia, lên án việc phát tán đoạn ghi âm là hành vi “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực ngoại giao và làm tổn hại lòng tin giữa hai nước”.
Phuong Vi