logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Thực phẩm bổ sung bị lạm dụng, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất siết quản lý theo mô hình FDA

Ngày đăng: 3/7/2025

(TAP) - Trước hàng loạt vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện như sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (kẹo rau củ Kera) chứa sorbitol hay tình trạng sản xuất, buôn bán sữa bột, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất siết chặt quản lý hồ sơ công bố sản phẩm theo mô hình FDA và các tiêu chuẩn quốc tế. 

Thực phẩm bổ sung bị lạm dụng, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất siết quản lý theo mô hình FDA

Công văn thông tin về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam vừa được Cục An toàn thực phẩm công bố

Nội dung trên nằm trong ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam vừa được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) công bố ngày 02/7 (giờ địa phương). Dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến thay thế hoàn toàn Nghị định 15 để phù hợp với tình hình mới. Nội dung dự thảo hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình công bố, quảng cáo, hậu kiểm sản phẩm thực phẩm; đồng thời tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Một trong những điểm thay đổi quan trọng là thực phẩm bổ sung vốn thuộc nhóm thực phẩm chức năng bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm, thay vì chỉ cần tự công bố như trước. Trước đây, do thực phẩm bổ sung được xếp vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để tự ý phân loại sai sản phẩm, quảng cáo phóng đại công dụng. Bộ Y tế Việt Nam cho biết chính sự buông lỏng đó khiến nhiều sản phẩm vi phạm dễ dàng lưu hành trên thị trường.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, kiểm soát chặt quảng cáo thực phẩm. Cụ thể như sau: Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố sẽ có trách nhiệm đăng tải, giám sát, lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trên thị trường; Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cho đến khi hoàn tất việc xử lý theo quy định; Tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo bao gồm việc kiểm tra người có sức ảnh hưởng, các nền tảng thương mại điện tử và công khai mối quan hệ tài trợ trong nội dung quảng cáo.

Thực phẩm bổ sung bị lạm dụng, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất siết quản lý theo mô hình FDA

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa, Facebook “KERA Vietnam, website Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood (hacofoodgroup), website Công ty Dược quốc tế Rance Pharma (duocquoctegroup)

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất bắt buộc các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; thực phẩm bổ sung; sản phẩm dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo một trong các hệ thống quốc tế như: Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC) hoặc Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm  (FSSC 22000).

Bộ Y tế Việt Nam nêu rõ trong khi một số quốc gia yêu cầu chỉ cơ quan nhà nước mới có quyền cấp các giấy chứng nhận trên thì tại Việt Nam, việc chứng nhận hiện vẫn do các tổ chức thứ ba được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ định. Vì vây, Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung trách nhiệm giám sát các tổ chức này nhằm đảm bảo minh bạch và chất lượng chứng nhận.

Đồng thời, Dự thảo cũng quy định rõ vai trò của các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, đến Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND các tỉnh. Mục tiêu là kết nối, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thống nhất quản lý từ trung ương đến địa phương. Đáng chú ý, các quy định mới về hậu kiểm được xây dựng trên cơ sở tham khảo mô hình của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) với các hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra ngẫu nhiên tại cơ sở sản xuất và thị trường.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết do phạm vi sửa đổi của dự thảo chiếm hơn một nửa nội dung Nghị định hiện hành nên đang trình Thủ tướng Việt Nam xem xét ban hành một nghị định thay thế hoàn toàn Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Việc thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn, bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Hoang Nam

Loading comments...

Bài viết liên quan