(TAP) - Trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các vùng nông thôn và ven biển trầm trọng, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch phân bổ 22.731 lao động thời vụ nước ngoài cho nửa cuối năm 2025.
Động thái này được kỳ vọng sẽ trở thành "cứu cánh" cho mùa thu hoạch sắp tới, đặc biệt khi quốc gia này đẩy mạnh mô hình lao động thời vụ công. Cụ thể, theo thông cáo báo chí ngày 27/6 (giờ địa phương) từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc (대한민국 법무부), tại cuộc họp liên bộ ngày 24/6 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nông lâm Thực phẩm và Bộ Đại dương Thủy sản, Hàn Quốc đã thông qua phương án phân bổ bổ sung 22.731 lao động cho 100 địa phương trên toàn quốc cho nửa cuối năm 2025. Con số này nâng tổng lượng lao động thời vụ năm 2025 lên mức kỷ lục 95.700 người (nửa đầu năm: 72.698 người; nửa cuối năm: 22.731 người; số lượng linh hoạt dự phòng: 271 người) - tăng 41% so với năm 2024 là 67.778 người (nửa đầu năm: 49.286 người; nửa cuối năm: 18.492 người).
Thông cáo báo chí ngày 27/6 (giờ địa phương) từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc (대한민국 법무부) về kế hoạch phân bổ 22.731 lao động thời vụ nước ngoài cho nửa cuối năm 2025.
Xét theo ngành nghề được phân bổ lao động năm 2025, nông nghiệp tiếp tục giữ vị thế chủ đạo với 86.633 lao động (nửa đầu năm: 68.996 người; nửa cuối năm: 17.637 người, chiếm 90.5% tổng số), phản ánh nhu cầu nhân lực lớn tại các vùng trồng trọt và chăn nuôi trọng yếu. Trong khi đó, ngư nghiệp ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng với 8.796 người (nửa đầu năm: 3.702 người; nửa cuối năm: 5.094 người), tập trung ưu tiên cho những địa phương có thế mạnh nuôi trồng thủy sản như rong biển và hàu. Đặc biệt, cơ chế phân bổ được thiết kế linh hoạt với 271 chỉ tiêu dự phòng, tạo đệm an toàn để kịp thời ứng phó với những biến động khó lường xuyên suốt quá trình sản xuất.
Một điểm đột phá của chính sách lao động thời vụ năm 2025 của Hàn Quốc là việc triển khai mô hình lao động thời vụ công. Theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản sẽ đảm nhận vai trò trung tâm về tuyển dụng, quản lý, phân phối lao động đến các hộ sản xuất. Mô hình này mang tính cách mạng khi chuyển đổi từ cơ chế tập trung sang phân quyền mạnh mẽ: chính quyền địa phương được trao quyền chủ động sử dụng ngân sách để triển khai chương trình phù hợp với đặc thù từng vùng. Đặc biệt, huyện Haenam được chọn làm địa bàn thí điểm tiên phong cho lĩnh vực nuôi trồng rong biển và hàu - những ngành thủy sản chủ lực của vùng.
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng việc phân bổ bổ sung lao động thời vụ nước ngoài nửa cuối năm sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các vùng nông thôn và ven biển (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ lao động nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai gói cải cách chính sách phiên dịch toàn diện, tập trung vào tính linh hoạt và thiết thực. Thay vì duy trì quy định cứng nhắc yêu cầu tối thiểu 100 lao động cùng quốc tịch mới được bố trí phiên dịch viên như trước đây, chính sách mới áp dụng cơ chế phân bổ linh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương. Các cải cách bao gồm: xóa bỏ rào cản số lượng, cho phép bố trí phiên dịch ngay cả khi số lao động ít; điều chỉnh linh hoạt số lượng phiên dịch viên theo đặc thù ngôn ngữ và quy mô sản xuất của từng khu vực; mở rộng dịch vụ đa ngôn ngữ tại các điểm sản xuất trọng điểm.
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng việc phân bổ bổ sung lao động thời vụ nước ngoài nửa cuối năm sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các vùng nông thôn và ven biển; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cải tiến các chính sách phù hợp với đặc thù thực tế tại hiện trường sản xuất nông - ngư nghiệp.
Trang Thanh