(TAP) - Sau sáp nhập, 4 cực địa lý Việt Nam có sự thay đổi về địa điểm. Cùng TAPNews khám phá vị trí mới của các điểm cực thiêng liêng đánh dấu chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Cụ thể, sáng ngày 12/6 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Việt Nam khóa XV chính thức thông qua nghị quyết về việc tái cơ cấu đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo quyết định, địa giới hành chính tại Việt Nam được tổ chức lại với 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một bước cải tổ lớn, kéo theo nhiều thay đổi liên quan đến việc xác định địa giới hành chính mới, trong đó có các điểm cực địa lý - những mốc đánh dấu biên cương lãnh thổ thiêng liêng quốc gia.
1. Cực Bắc - Lũng Cú: Tọa độ 23°22'59'' Bắc, 105°20'20'' Đông
Toàn cảnh Cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Nguồn: Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Hà Giang
Trước ngày 01/7/2025, điểm cực Bắc của Việt Nam thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, dựa trên quyết định mới về việc sáp nhập các đơn vị hành chính, xã Lũng Cú chuyển sang tỉnh Tuyên Quang. Như vậy, điểm cực Bắc hiện nay không còn thuộc địa giới tỉnh Hà Giang mà nằm trong phạm vi quản lý tỉnh Tuyên Quang.
Nơi điểm cực Bắc Tổ quốc, bên cạnh các địa danh nổi tiếng như Dinh thự nhà Vương hay Phố cổ Đồng Văn, còn có Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng, thu hút du lịch vùng cực Bắc. Công trình xây dựng theo mẫu Cột cờ Hà Nội, có hình bát giác và nằm trên đỉnh núi Long Sơn, diện tích 54 m² tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Việc điều chỉnh địa giới hành chính có thể khiến nhiều du khách bất ngờ, bởi Lũng Cú được xem như biểu tượng văn hóa gắn liền với Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Địa điểm cực Bắc hiện tại: xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang.
2. Cực Tây - A Pa Chải: Tọa độ 22°25'49'' Bắc, 102°11'03'' Đông
Thiên nhiên hùng vĩ của A Pa Chải. Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam
Câu nói thân thuộc “Một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe” dùng để chỉ A Pa Chải, điểm cực Tây Việt Nam, nằm tại nơi tiếp giáp giữa ba quốc gia Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Hà Nhì cùng một số cộng đồng dân tộc thiểu số khác; tên gọi “A Pa Chải” cũng có nguồn gốc từ tiếng địa phương với ý nghĩa vùng đất rộng lớn, bằng phẳng. Không đơn thuần giữ mốc tọa độ trên bản đồ, A Pa Chải còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, biểu tượng lòng tự hào dân tộc và ý chí giữ gìn chủ quyền. Mỗi bước chân đặt đến đây như gắn liền thông điệp gìn giữ từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc.
Địa điểm cực Tây hiện tại: A Pa Chải, xã Sín Thầu, tỉnh Điện Biên.
3. Cực Đông - Mũi Đôi: Tọa độ 12°39'21'' Bắc, 109°27'39'' Đông
Vào năm 2005, Mũi Đôi đã được xếp hạng danh thắng cảnh cấp quốc gia. Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam
Mũi Đôi - vùng đất ven biển thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, tỉnh Khánh Hòa, được kiến tạo bởi những khối đá lớn nhỏ chồng lên nhau tạo thành hình dáng đa dạng. Từ vị trí cực Đông - Mũi Đôi có thể quan sát thấy Hòn Đôi, cách bờ khoảng 500m, sử dụng để đánh dấu điểm A7 trong hệ thống tọa độ địa lý quốc gia. Sở hữu vị trí địa lý nổi bật và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, vào năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp hạng Mũi Đôi vào danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Sau sáp nhập, địa giới tại Mũi Đôi không có sự thay đổi, nơi này vẫn giữ nguyên phần đất thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Địa điểm cực Đông hiện tại: Mũi Đôi, xã Đại Lãnh, Khánh Hòa.
4. Cực Nam - Mũi Đất: Tọa độ khoảng 8°30'- 8°34' vĩ Bắc, 104°40'-104°50' kinh Đông
Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau. Nguồn: Vườn quốc gia Cà Mau
Mũi Cà Mau (hay Mũi Bãi Bùng) - điểm cực Nam trên phần đất liền Việt Nam, nằm tại xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Khu vực nổi bật với hệ sinh thái rừng ngập mặn và phù sa màu mỡ do sông Cửa Lớn cùng các nhánh sông khác đổ ra biển. Mỗi năm, mũi đất có xu hướng lấn ra biển từ 60 - 80m nhờ vào quá trình bồi tụ tự nhiên, khiến ranh giới địa lý tại đây luôn biến đổi nhẹ qua từng năm. Theo nghị quyết mới, tỉnh Cà Mau không nằm trong danh sách các địa phương bị điều chỉnh địa giới, do đó, điểm cực Nam đất nước về cơ bản vẫn giữ nguyên.
Địa điểm cực Nam hiện tại: xã Mũi Đất, tỉnh Cà Mau.
Phuong Anh