logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Sau Walmart, thêm nhà bán lẻ Hoa Kỳ đề cập việc tăng giá vì áp lực thuế quan

Ngày đăng: 22/5/2025

(TAP) – Sau khi Walmart, Inc (Walmart) đổi lỗi thuế quan khiến giá cả tăng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, một nhà bán lẻ lớn khác là Target Corporation (Target) đã tuyên bố, việc tăng giá sẽ là giải pháp cuối cùng để bù đắp chi phí từ chính sách áp thuế. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán của hãng yếu hơn dự kiến và những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.

Giám đốc điều hành (chief executive officer, viết tắt: CEO) Target – ông Brian Cornell ngày 21/5 cho biết, mặc dù công ty vẫn còn nhiều công cụ để giảm thiểu tác động của thuế, nhưng không loại trừ khả năng phải điều chỉnh giá nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Ghi nhận đây không phải nhà bán lẻ duy nhất đối mặt với áp lực từ chính sách áp thuế. Như TAP News từng thông tin, sau khi Walmart cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể phải trả giá cao hơn do thuế quan, Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích tập đoàn này trên mạng xã hội, nói việc gánh chi phí phát sinh là trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời cam kết sẽ theo dõi sát sao. Phản hồi lãnh đạo Nhà Trắng, Walmart nhấn mạnh sẽ cố gắng duy trì mức giá thấp nhất có thể trong thời gian dài, đặc biệt trong bối cảnh biên lợi nhuận bán lẻ vốn đã rất nhỏ.

Sau Walmart, thêm nhà bán lẻ Hoa Kỳ đề cập việc tăng giá vì áp lực thuế quan

Sau Walmart, Target cho biết không loại trừ khả năng phải điều chỉnh giá nếu tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi (Nguồn: Target Corporation)

Các chuyên gia tại NBC News cho rằng, những chỉ trích từ Nhà Trắng dường như khiến các nhà bán lẻ khác như Target; Home Depot, Inc (Home Depot) và (Lowe's Companies, Inc (Lowe’s) phải phát ngôn thận trọng hơn về vấn đề tăng giá. Trong đó, Home Depot gần như bác bỏ khả năng tăng giá ngắn hạn, trong khi Lowe’s hạn chế đề cập đến thuế quan khi công bố báo cáo tài chính. CEO Target nhận định, thuế quan chỉ là một phần trong loạt chi phí lớn mà đơn vị đang phải đối mặt. Ông Brian Cornell cho rằng, sự bất ổn kinh tế, tâm lý người tiêu dùng và những tranh cãi xoay quanh chính sách “Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập” (Diversity, Equity, and Inclusion, viết tắt: DEI) mà hãng theo đuổi, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Để ứng phó, Target được cho đã triển khai các chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng, đồng thời đánh giá lại danh mục sản phẩm, đàm phán với nhà cung cấp và mở rộng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Theo Giám đốc thương mại Target – ông Rick Gomez, khoảng một nửa số hàng hóa của công ty hiện đến từ Hoa Kỳ và doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất tại các quốc gia khác Bắc Kinh khi không phải chịu mức thuế lên đến 30%. Ngay sau báo cáo về kết quả kinh doanh, cổ phiếu Target giảm hơn 3% vào chiều cùng ngày (21/5). Trong khi đó, một số công ty lớn như Stanley Black & Decker, Inc; Procter & Gamble; Adidas AG và Mattel, Inc (Mattel) đều đã tăng giá hoặc cân nhắc làm vậy trước chi phí phát sinh. Đặc biệt Mattel – hãng sản xuất búp bê Barbie, cũng bị chỉ trích sau khi bày tỏ ý định tăng giá thành.

Sau Walmart, thêm nhà bán lẻ Hoa Kỳ đề cập việc tăng giá vì áp lực thuế quan

Bất chấp chi phí có nguy cơ leo thang, chuyên gia cho biết chi tiêu người tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm trong tháng 4 (Nguồn: Target Corporation)

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation, viết tắt: NRF) – tổ chức đại diện một số nhà bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ gần đây cũng phát đi cảnh báo, doanh nghiệp nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ thuế quan, trong khi các ông lớn vẫn có khả năng thích ứng. NRF lưu ý, nhiều công ty nhỏ đang đứng trước nguy cơ phải tăng giá hoặc đóng cửa hoàn toàn. Mặc dù vậy, chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. NBC dẫn lời nhà kinh tế trưởng của NRF – ông Jack Kleinhenz nhận định, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua sắm trong tháng 4, nhưng chỉ đạt mức tăng nhẹ 0,1%. Lần lượt nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu điều chỉnh dự báo tài chính do lo ngại môi trường thương mại bất ổn. Một số nhà bán lẻ khác như TJ Maxx và Marshalls Inc vẫn duy trì được kết quả tích cực nhờ mô hình kinh doanh mua lại hàng hóa đã bị đánh thuế từ các thương hiệu khác. Tuy nhiên, sự không chắc chắn từ chính sách thương mại vẫn là mối đe dọa hiện hữu, khiến nhiều công ty đắn đo rút lại triển vọng tài chính cho phần còn lại của năm.

Kane Nguyen

 

Loading comments...

Bài viết liên quan