(TAP) - Liên minh OPEC+ thông báo, 08 quốc gia thành viên trong nhóm đã đạt được thỏa thuận tăng sản lượng dầu thô vượt mức dự kiến vào tháng 8 khi thêm 548.000 thùng/ngày. Quyết định này vượt xa con số dự định ban đầu (411.000 thùng), đánh dấu bước đi tiếp theo trong quá trình nới lỏng trước bối cảnh kinh tế toàn cầu dần ổn định.
Theo thông báo ngày 6/7 bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Organization of the Petroleum Exporting Countries, viết tắt: OPEC), những quốc gia tham gia tăng sản lượng bao gồm Ả Rập Xê Út, Nga, Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
OPEC là tổ chức liên Chính phủ liên quan đến ngành công nghiệp dầu mỏ, có 13 thành viên: Algérie, Angola, Cộng hòa Congo, Ecuador, Equatorial Guinea, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Ả Rập Xê Út, Venezuela. Trong khi OPEC + là liên minh mở rộng của OPEC cùng một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, thành lập nhằm quản lý sản lượng và giá cả dầu toàn cầu, bao gồm: Nga, Mexico, Kazakhstan, Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Malaysia, Oman, Nam Sudan và Sudan.
OPEC+ sẽ tăng sản lượng dầu thô vượt mức dự kiến vào tháng 8. Nguồn: Organization of the Petroleum Exporting Countries
Cũng trong thông báo, ban thư ký OPEC cho biết, quyết định nâng sản lượng được đưa ra dựa trên nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đang ổn định và thị trường dầu mỏ hiện có nền tảng vững chắc. Tổ chức nhận thấy lượng dầu tồn kho toàn cầu ở mức thấp, cho thấy sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ. Tám quốc gia trên hiện đang thực hiện 02 giai đoạn cắt giảm sản lượng tự nguyện. Trong đó, một phần cắt giảm tương đương 1,66 triệu thùng/ngày sẽ kéo dài đến hết năm 2025 và đợt thứ hai giảm thêm 2,2 triệu thùng/ngày áp dụng đến hết quý I năm tới.
Ban đầu, nhóm đặt mục tiêu tăng sản lượng 137.000 thùng/ngày mỗi tháng đến tháng 9/2026. Tuy nhiên, họ chỉ duy trì được mức tăng này đến tháng 4. Từ tháng 5 - 7, OPEC+ đã nâng tốc độ tăng lên 411.000 thùng/ngày và dự kiến tiếp tục đẩy mạnh mức tăng vào tháng 8. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng mạnh. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong mùa hè tại các nền kinh tế lớn, cùng với ảnh hưởng từ xung đột kéo dài giữa Israel - Iran, góp phần đẩy giá lên cao. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung qua eo biển Hormuz – tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng toàn cầu cũng khiến thị trường thêm căng thẳng.
Động thái tăng sản lượng của OPEC+ diễn ra dựa trên nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đang ổn định và thị trường dầu mỏ hiện có nền tảng vững chắc. Nguồn: Facebook “OPEC”
Long Peter