(TAP) - Cà gai leo (tên khoa học: Solanum procumbens), thuộc họ Cà (Solanaceae) là loại dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền Việt Nam, nổi tiếng bởi những công dụng tuyệt vời cho các bệnh lý về gan.
Theo Dược điển Việt Nam (quyển V) do Hội đồng Dược điển Việt Nam biên soạn (năm 2018), cà gai leo được biết đến là cây dược liệu có nguồn gốc hoang dại, phân bố phổ biến ở vùng trung du, đồi núi và cả ven vườn ở nhiều tỉnh thành Việt Nam. Mô tả từ Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện Dược liệu Việt Nam (năm 2004) cho thấy, cây cà gai leo sống nhiều năm, chiều dài thân khoảng 1m hoặc hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều, cành non nhiều toả rộng, phủ nhiều lông hình sao, nhiều gai nhọn, cong màu vàng (gai cong theo chiều quặp xuống dưới). Lá mọc so le hình bầu dục hay thuôn, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông trắng. Hoa bốn cánh trắng hoặc tím nhạt, quả hình cầu, mọng nước. Cây ra hoa vào tầm tháng 4-6, có quả từ tháng 7-9.
Trong y học cổ truyền, cà gai leo được dùng để điều trị một số vấn đề khác như ho, dị ứng, cảm cúm, đau nhức xương khớp, sâu răng, phong thấp, thậm chí là giải độc rượu bia, chống say tàu xe. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại còn khẳng định những tác dụng có lợi ở cà gai leo đối với gan. Theo công trình “Nghiên cứu tác dụng của cà gai leo trên collagenase” của PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu và cộng sự (năm 2000), cây chứa nhiều hoạt chất sinh học có lợi như alkaloid, flavonoid, alkaloid, phytosterol, chất béo, carotenoid, coumarin, axit hữu cơ, đường khử, axit amin,... Trong đó, glycoalcaloid chiếm tỷ lệ cao nhất - có tác dụng chống viêm, giảm đau, ngăn ngừa xơ hóa gan. Nghiên cứu trên còn cho biết dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, lên đến 47,5%; glycoalkaloid chiếm 38,1%. Các chất này có thể giảm tổn thương tế bào gan gốc tự do, hỗ trợ phục hồi, tái tạo tế bào gan mới.
Cây cà gai leo sống nhiều năm, chiều dài thân khoảng 1m hoặc hơn, có hoa bốn cánh trắng hoặc tím nhạt. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế Việt Nam
Không dừng lại ở tác dụng bảo vệ gan, các thí nghiệm tiền lâm sàng cung cấp kết quả: Dịch chiết cà gai leo còn có thể ức chế sự phát triển một số dòng tế bào ung thư do virus, như ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF) hay ung thư cổ tử cung. Nó còn có khả năng ức chế gen gây ung thư, cho thấy tiềm năng ứng dụng sâu rộng cà gai leo trong phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến gan.
Bộ phận thường được sử dụng để chữa bệnh của cây rất đa dạng: Từ rễ (thích gia căn), dây (thích gia đằng), quả, lá. Các bộ phận này có thể thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô nấu nước uống. Liều dùng phổ biến theo dân gian là khoảng 40 gam khô mỗi ngày, sắc hoặc hãm uống. Hiện nay, cà gai leo còn chế biến thành viên nang, trà túi lọc, cao lỏng, cao khô,... giúp người dùng dễ bảo quản và tiện lợi hơn khi sử dụng.
Tuy nhiên, khi dùng cà gai leo, cần lưu ý một số điểm sau đây: Không uống khi bụng đói; không dùng cho phụ nữ có thai hoặc trẻ em nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Người mắc bệnh gan mãn tính nếu có ý định sử dụng dài hạn hoặc kết hợp với thuốc Tây nên tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong việc điều trị gan, người bệnh cần kết hợp cà gai leo cùng chế độ ăn uống khoa học như hạn chế đồ béo, rượu bia, tăng cường rau xanh, thường xuyên vận động thể chất. Khi chọn sản phẩm cà gai leo trên thị trường, nên ưu tiên các thương hiệu uy tín, có chứng nhận kiểm nghiệm lâm sàng và giấy phép được cấp từ Bộ Y tế Việt Nam.
Trong thời hiện đại, cà gai leo còn được chế biến thành viên nang, trà túi lọc, cao lỏng, cao khô,... giúp người dùng dễ bảo quản và tiện lợi hơn khi sử dụng. Nguồn: Sở Y tế tỉnh Nam Định.
Là sự giao thoa giữa tinh hoa y học cổ truyền và bằng chứng khoa học hiện đại, cà gai leo cho thấy tiềm năng rõ rệt trong việc hỗ trợ điều trị viêm gan B, gan nhiễm mỡ, xơ gan và các rối loạn chức năng gan. Việc ứng dụng đúng cách, kết hợp duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp người dùng phát huy tối đa giá trị loại thảo dược thuần Việt này mang lại.
Phương Anh