logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Không bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu có thể vi phạm luật quốc tế?

Ngày đăng: 24/7/2025

(TAP) – Trong công bố mới nhất, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) – cơ quan xét xử cao nhất Liên Hợp Quốc (UN) khẳng định, các quốc gia có thể vi phạm luật pháp quốc tế nếu không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu.

Theo thông cáo dài hơn 130 trang công bố ngày 23/7, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice, viết tắt: ICJ) dẫn lời Chủ tịch ICJ - ông Yuji Iwasawa nhận định, sống trong môi trường sạch, lành mạnh và bền vững là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang đe dọa đến mọi hình thức sống trên Trái đất, trực tiếp ảnh hưởng các quyền cơ bản ấy.

Không bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu có thể vi phạm luật quốc tế?

Tòa án Công lý Quốc tế nói, các quốc gia có thể vi phạm luật pháp quốc tế nếu không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu. Nguồn: International Court of Justice

Căn cứ vào cơ sở đó, cơ quan này tuyên bố những nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, tòa cũng nhấn mạnh, hành vi không ngăn chặn khủng hoảng khí hậu có nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế. ICJ kết luận, dù đã luật pháp quốc tế để giải quyết khủng hoảng khí hậu nhưng vẫn cần thêm sự đóng góp ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đảm bảo tương lai cho thế hệ mai sau. Mặc dù ý kiến từ ICJ không có tính ràng buộc pháp lý, song được cả 15 thẩm phán đồng thuận, đánh giá sẽ có ảnh hưởng lớn, trở thành cơ sở thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn tại hội nghị khí hậu OCOP30 sắp tới ở Brazil. 

Thời gian gần đây, ghi nhận nhiều tòa án quốc tế lẫn khu vực đưa ra nhiều phán quyết tương tự, khẳng định nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Động thái này phản ánh xu hướng toàn cầu, buộc Chính phủ các nước phải hành động bảo vệ hành tinh một cách nghiêm túc. Mặc dù vậy, truyền thông Hoa Kỳ - tờ Associated Press (AP) ngày 23/7 cho biết, Hoa Kỳ và Nga từng bày tỏ sự phản đối, nói tòa án không nên can thiệp vào việc cắt giảm khí thải. Bằng chứng là, vào tháng 1/2025, ngay khi trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump ra quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement) - hiệp ước khí hậu quốc tế được đàm phán lần đầu tiên vào năm 2015, nhằm cắt giảm khí thải nhà kính, hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Không bảo vệ hành tinh khỏi biến đổi khí hậu có thể vi phạm luật quốc tế?

Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế được kỳ vọng sẽ trao cho thế giới công cụ pháp lý mạnh mẽ, bảo vệ những người đang phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Nguồn: National Oceanic and Atmospheric Administration

Phán quyết ICJ mở ra cơ hội để nhiều quốc gia, cá nhân có thể sử dụng luật quốc tế như công cụ yêu cầu Chính phủ một số nước có trách nhiệm hơn về chống biến đổi khí hậu; bao gồm việc khởi kiện trong nước hoặc áp dụng thỏa thuận quốc tế như các hiệp định đầu tư. Toàn bộ 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (United Nations, viết tắt: UN), đặc biệt những nước phát thải lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, đều có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết. AP dẫn lời bà Mary Robinson - cựu Cao ủy Nhân quyền UN nói, ICJ trao cho thế giới công cụ pháp lý mạnh mẽ nhằm bảo vệ người đang phải chịu hậu quả nghiêm trọng; đồng thời cho rằng đây là bước tiến quan trọng cho hành trình đòi công lý với các quốc gia dễ bị tổn thương.

Danny Tran

Loading comments...

Bài viết liên quan