(TAP) – Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng, Bộ phận Hình sự thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) vừa công bố một số thay đổi trong chính sách thực thi pháp luật kinh tế với doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp (Department of Justice, viết tắt: DOJ) ngày 16/5 có bài đăng dẫn tuyên bố của Trưởng phòng Bộ phận Hình sự (Criminal Division) thuộc cơ quan – ông Matthew R. Galeotti nhấn mạnh, những cải cách này nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ, đồng thời đảm bảo việc truy tố tội phạm hiệu quả, công bằng hơn. Theo DOJ, bình luận của ông Galeotti được đưa ra tại Hội nghị Chống rửa tiền và Tội phạm tài chính do Hiệp hội Thị trường tài chính và Công nghiệp chứng khoán (Securities Industry and Financial Markets Association) tổ chức.
Bộ phận Hình sự thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố một số thay đổi trong chính sách thực thi pháp luật kinh tế với doanh nghiệp. Nguồn: Department of Justice
Cũng theo Trưởng phòng Bộ phận Hình sự DOJ, thay vì trừng phạt như trước đây, cơ quan đang định hình cách tiếp cận mới, bao gồm việc khuyến khích các công ty tự giác tuân thủ và báo cáo hành vi sai trái. Ông Matthew R. Galeotti nói rằng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp e ngại việc hợp tác với chính quyền vì các cuộc điều tra kéo dài, tốn kém và thiếu minh bạch. Chính vì vậy, DOJ quyết định đơn giản hóa Chính sách Thực thi Pháp luật Doanh nghiệp và Tự báo cáo Tự nguyện (Corporate Enforcement and Voluntary Self-Disclosure Policy, viết tắt: CEP), đồng thời đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn.
DOJ cho biết, điểm đáng chú ý nhất trong quy định CEP sau khi đã sửa đổi là những công ty tự nguyện báo cáo, hợp tác đầy đủ và khắc phục hậu quả sẽ đủ điều kiện được miễn truy tố. Những doanh nghiệp không báo cáo kịp thời, nhưng có thiện chí vẫn có thể được hưởng các lợi ích đáng kể như không bị giám sát, giảm 75% tiền phạt và ký thỏa thuận không truy tố ngắn hạn. Song song đó, DOJ cũng điều chỉnh chính sách chỉ định giám sát viên bên ngoài, mục đích nhằm tránh việc áp dụng tràn lan, gây gánh nặng cho doanh nghiệp. Việc bổ nhiệm giám sát viên sẽ chỉ diễn ra trong những trường hợp thực sự cần thiết và dựa trên đánh giá cụ thể về mức độ nghiêm trọng của hành vi, khả năng cải thiện tuân thủ nội bộ, với chi phí – lợi ích tương ứng.
Trưởng phòng Bộ phận Hình sự Matthew R. Galeotti nhấn mạnh, những cải cách về chính sách thực thi pháp luật kinh tế với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ, đồng thời đảm bảo việc truy tố tội phạm hiệu quả, công bằng. Nguồn: Department of Justice
Một thay đổi khác liên quan đến chương trình CEP là tố giác trong doanh nghiệp. Cụ thể, DOJ đã mở rộng các lĩnh vực ưu tiên như gian lận thương mại, vi phạm luật di trú và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Những người cung cấp thông tin có giá trị trong các lĩnh vực này có thể đủ điều kiện nhận thưởng nếu thông tin đó dẫn đến truy tố thành công. Ông Galeotti khẳng định, mục tiêu của DOJ không phải là trừng phạt những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà là phối hợp với họ để loại bỏ tận gốc các hành vi phạm tội có tổ chức, bảo vệ nền kinh tế và người dân Mỹ. Cơ quan này mong muốn các chuyên gia tuân thủ, đặc biệt trong lĩnh vực chống rửa tiền và tội phạm tài chính, đóng vai trò chủ động trong việc phát hiện, báo cáo và khắc phục sai phạm. Với các cải cách này, Hoa Kỳ đang định hình lại chiến lược thực thi pháp luật kinh tế theo hướng minh bạch, hiệu quả và hợp tác hơn, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp vào an ninh tài chính quốc gia.
Huy Niel