(TAP) - Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) mới đây đã ca ngợi thành công của “Midnight Hammer” – chiến dịch tấn công vào 03 cơ sở hạt nhân của Iran. Mặc dù DOD khẳng định mục đích của hành động nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, nhiều quốc gia đã kêu gọi khôi phục đối thoại, tránh đẩy khu vực rơi vào vòng xoáy xung đột.
Chiến dịch Midnight Hammer của Hoa Kỳ nhằm vào 03 địa điểm hạt nhân quan trọng của Iran tại Fordo, Natanz và Isfahan. Nguồn: Department of Defense
Theo thông tin Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense, viết tắt: DOD) đăng ngày 22/6, cơ quan này cho biết chiến dịch “Midnight Hammer” ngày 21/6 do Hoa Kỳ tiến hành đã thành công trong việc phá hủy 03 địa điểm hạt nhân quan trọng của Iran tại Fordo, Natanz và Isfahan. DOD dẫn tuyên bố của Tướng Không quân – ông Dan Caine nhấn mạnh, thiệt hại cụ thể sẽ cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ, song khẳng định các mục tiêu chính đã bị tê liệt. Ước tính Washington, D.C đã sử dụng tổng cộng khoảng 75 vũ khí dẫn đường chính xác, đặc biệt là máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit thả bom "phá boongke" GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP) nặng 30.000 pound và tàu ngầm phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Đây là lần đầu tiên GBU-57 MOP được sử dụng trong thực chiến. Các quan chức DOD nhấn mạnh, mục tiêu của chiến dịch nhằm phá hủy chương trình hạt nhân Iran, không nhắm vào quân đội hoặc dân thường, không thay đổi chế độ tại Iran.
Tướng Không quân Hoa Kỳ Dan Caine cho biết, các cuộc không kích ngày diễn ra mà không gặp phải sự phản kháng từ phía Iran. Nguồn: Department of Defense
Báo cáo ngày 22/6 của DOC cũng cho biết, các cuộc không kích ngày diễn ra mà không gặp phải sự phản kháng từ phía Tehran (Iran). Không quân và hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương không phát hiện hoặc phản ứng với các máy bay ném bom B-2 của Hoa Kỳ. DOD dẫn lời Tướng Dan Caine tiết lộ đã sử dụng chiến thuật nghi binh, bao gồm việc điều động máy bay ném bom từ bang Missouri và triển khai chiến đấu cơ nhằm đánh lạc hướng phòng thủ Iran. Các oanh tạc cơ đã thả 14 quả bom xuyên boongke chính xác vào mục tiêu. Thông tin trước truyền thông về hành động sắp tới, Ngoại trưởng (Department of State) Marco Rubio cho biết, Hoa Kỳ không có kế hoạch hành động quân sự tiếp theo trừ khi Iran tiếp tục gây hấn với lợi ích quốc gia. Mặc dù Washington, D.C khẳng định chiến dịch không nhằm thay đổi chế độ tại Iran, giới chức Tehran vẫn cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo rằng sẽ có hành động đáp trả và cho rằng không còn nhiều chỗ cho ngoại giao.
Bài đăng của Tổng thống Donald Trump về việc thay đổi chế độ Iran khiến căng thẳng có nguy cơ leo thang. Nguồn: Truth Social “@realDonaldTrump”
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi lãnh đạo Nhà Trắng bất ngờ có bài đăng trên Truth Social (@realDonaldTrump) ngày 22/6 đảo ngược quan điểm so với thông tin DOD đăng trước đó một ngày (22/6). Cụ thể, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Về mặt chính trị, sử dụng thuật ngữ "Thay đổi chế độ" là không chính xác, nhưng nếu chế độ Iran hiện tại không thể LÀM CHO IRAN VĨ ĐẠI TRỞ LẠI, tại sao lại không có sự thay đổi chế độ??? NGAY BÂY GIỜ!!!” (It’s not politically correct to use the term, “Regime Change,” but if the current Iranian Regime is unable to MAKE IRAN GREAT AGAIN, why wouldn’t there be a Regime change??? MIGA!!!). Những cường quốc như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hành động của Mỹ, kêu gọi khôi phục đối thoại và tránh đẩy khu vực rơi vào vòng xoáy xung đột. Lãnh đạo các nước G7, trong đó có Pháp, Đức, Canada và Ý, cũng thống nhất về nhu cầu cấp thiết khôi phục đàm phán với Iran. Trong bối cảnh này, chính quyền Tehran được cho là có thể sử dụng eo biển Hormuz - nằm trên bờ biển phía Bắc Iran và trên bờ biển phía Nam Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, như con bài chiến lược, khiến giá dầu tăng hơn 20% trong tháng qua, tạo thêm áp lực kinh tế toàn cầu.
Long Yuan