(TAP) – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - ông Pete Hegseth tuyên bố, quân đội Washington, D.C hiện có mặt tại châu Âu (EU), nhưng trong 5 - 15 năm tới, tình hình có thể thay đổi. Điều này làm dấy lên mối lo ngại lớn khi Hoa Kỳ dường như không còn là chỗ dựa an ninh “ưu tiên” cho EU, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Như TAP News từng thông tin, trong loạt sự kiện ngoại giao và phát biểu quan trọng tại Hội nghị an ninh Munich (Munich Security Conference) từ ngày 14 – 16/2, Phó tổng thống Hoa Kỳ - ông JD Vance đã tham dự và lên tiếng chỉ trích những chương trình nghị sự cũng như chính sách nhập cư “cởi mở” của EU. Tờ Politico nói rằng, với những tuyên bố cứng rắn từ chính quyền ông Trump, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chưa từng có làm dấy lên lo ngại về tương lai của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization, viết tắt: NATO).
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth yêu cầu, đồng minh NATO chi tiêu và chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng Ukraine (Nguồn: Department of Defense)
Trong khi đó, Reuters thông tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense, viết tắt: DOD) - ông Pete Hegseth cũng vừa có chuyến công du đến Warszawa (thủ đô Ban Lan) vào ngày 14/2. Tại đây, người đứng đầu DOD cũng cho biết, quân đội Washington, D.C hiện có mặt khắp châu Âu, nhưng trong vòng 5, 10, hoặc 15 năm tới, tình hình này có thể thay đổi. Theo đó, DOD yêu cầu các đồng minh NATO châu Âu chi tiêu và chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng Ukraine trong tương lai – động thái cho thái cho thấy Washington, D.C có thể không còn là chỗ dựa an ninh “ưu tiên” của châu Âu nói chung và Kiev nói riêng.
Cũng liên quan đến vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, mặc dù Liên minh châu Âu nhiều lần kêu gọi tham gia các cuộc đàm phán với Nga, Nhà Trắng dường như vẫn phớt lờ lời đề nghị. Đến ngày 15/2, ông Keith Kellog - Đặc phái viên Hoa Kỳ về vấn đề Nga – Ukraine, xác nhận EU sẽ không “có ghế” trong các cuộc đàm phán về Kiev, bất chấp Liên minh lập luận, họ là một trong những bên liên quan trực tiếp. Đồng thời, theo các nhà quan sát chính trị, điều này cũng phản ánh thực tế, Washington, D.C sẽ không còn ưu tiên các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương như trước. Liên minh lẽ ra nên lường trước tình huống này từ lâu khi chính quyền ông Trump nhanh chóng bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách Ukraine. Giờ đây, EU cố gắng bắt kịp và hy vọng có thể tham gia - cuộc đàm phán mà gần như họ đã “hụt hơi”.
Đồng quan điểm, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) cho rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Hoa Kỳ và châu Âu đối mặt với nhiều xung đột tiềm ẩn, từ NATO, Ukraine, biến đổi khí hậu, thương mại, công nghệ đến vấn đề Trung Quốc. Những xung đột này có thể thay đổi cơ bản mối quan hệ đôi bên, đưa EU vào một kỷ nguyên mới, buộc khu vực này phải tự định hướng tương lai và chấp nhận phải thiếu đi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Washington, D.C.
Đặc phái viên Hoa Kỳ về vấn đề Nga - Ukraine Keith Kellogg tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương của NATO (Nguồn: North Atlantic Treaty Organization)
Nhu Torido