(TAP) - Bộ Ngoại giao (DOS) đã mở cuộc điều tra, đặt nghi vấn việc nhà trường không còn đủ điều kiện bảo trợ cấp visa “Giao lưu văn hoá” (Visa J-1) – chương trình thị thực cho sinh viên, nhà nghiên cứu nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ điều tra, xem xét điều kiện bảo trợ cấp Visa J-1 của Đại học Harvard cho sinh viên, nhà nghiên cứu nước ngoài. Nguồn: Department of State
Theo tuyên bố ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Department of State, viết tắt: DOS) dẫn lời người đứng đầu cơ quan - ông Marco Rubio nói đang xem xét liệu Đại học Harvard có còn đủ điều kiện được phép bảo trợ (cấp visa) Chương trình Giao lưu văn hoá (Exchange Visitor Program, viết tắt: EVP) hay không. EVP hay Visa J-1 là thị thực không định cư từ DOS cho người muốn tham gia trao đổi văn hóa, giáo dục hoặc đào tạo tại Mỹ. Thời gian lưu trú có thể kéo dài vài tháng đến 5 năm nhưng một số trường hợp phải tuân thủ cam kết “2 năm quay về nước” trước khi xin Visa J-1.
Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh, mọi tổ chức tham gia EVP, bao gồm Harvard đều phải tuân thủ nghiêm ngặt tính minh bạch trong báo cáo, thể hiện rõ cam kết thúc đẩy những nguyên tắc chương trình đề ra. Để duy trì đặc quyền bảo trợ EVP, các đơn vị cần cam kết không làm suy yếu mục tiêu chính sách đối ngoại hoặc gây tổn hại đến lợi ích an ninh Hoa Kỳ. DOS nói rằng, cuộc điều tra sẽ đảm bảo các chương trình DOS không đi ngược lại lợi ích quốc gia.
Đại học Harvard cam kết tuân thủ đầy đủ quy định chương trình trao đổi sinh viên, nhà nghiên cứu, thể hiện qua nỗ lực duy trì môi trường học tập đa dạng, quốc tế và chất lượng cao. Nguồn: Harvard Crimson
Đây là động thái giám sát mới nhất của Chính phủ đối với một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Như TAP News từng thông tin, căng thẳng giữa nhà trường và chính quyền bắt đầu từ tháng 4 khi Harvard từ chối thực hiện yêu cầu của lực lượng đặc nhiệm chống bài Do Thái liên bang; khiến Bộ Giáo dục (Department of Education) mạnh tay cắt giảm 2,6 tỷ USD tài trợ liên bang. Sau đó, cơ sở giáo dục đã đệ đơn kiện, đồng thời cáo buộc chính quyền ông Trump thực hiện chiến dịch trả đũa.
Liên quan đến vụ việc, ngày 23/7, tờ Harvard Crimson dẫn lời người phát ngôn nhà trường - ông Jason Newton cho biết cuộc điều tra về Visa J-1 là hành động trả đũa tiếp theo từ chính quyền. Ông Newton khẳng định, Harvard vẫn tiếp tục tuyển sinh, tài trợ sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu quốc tế. Trường cũng cam kết quá trình bảo trợ cấp visa xin thị thực diễn ra đúng kế hoạch ở năm học mới. Đại diện Harvard tuyên bố luôn tuân thủ đầy đủ quy định EVP, thể hiện qua nỗ lực duy trì môi trường học tập đa dạng, quốc tế và chất lượng cao.
Cựu giám đốc hợp tác toàn cầu Brett Bruen lo ngại, cuộc điều tra có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và ngành công nghiệp Mỹ. Nguồn: X “@BrettBruen”
Bên cạnh đó, cựu giám đốc hợp tác toàn cầu dưới thời Tổng thống Barack Obama - ông Brett Bruen ngày 23/7 có bài đăng trên “X” (@BrettBruen) bày tỏ quan điểm phản đối DOS. Ông Bruen lo ngại, quá trình điều tra này không có cơ sở rõ ràng; gây tổn hại không chỉ cho Harvard mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, ngành công nghiệp Mỹ – những lĩnh vực vốn phụ thuộc nhiều vào tài năng quốc tế.
Danny Tran