(TAP) - Google vừa ra mắt một công cụ AI tiên tiến, đóng vai trò như một “nhà khoa học đồng hành” (co-scientist), hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc đề xuất giả thuyết, định hướng nghiên cứu và đẩy nhanh tốc độ khám phá khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh.
Thông tin từ Google
Theo thông tin được Google công bố ngày 19/2, hệ thống AI được phát triển dựa trên nền tảng Gemini 2.0 – phiên bản hiện đại nhất của trợ lý AI do Google nghiên cứu và phát triển. Tương tự như các mô hình AI khác như ChatGPT của OpenAI, công cụ có khả năng phản hồi linh hoạt theo yêu cầu của người dùng. Hiện chưa có tên gọi chính thức, Google tạm gọi là “nhà khoa học đồng hành” và định hướng phát triển thành một công cụ chuyên biệt dành cho cộng đồng nghiên cứu khoa học.
Minh họa các thành phần khác nhau trong hệ thống đa tác nhân đồng khoa học AI và mô hình tương tác giữa hệ thống và nhà khoa học. Nguồn: Google
Khi được cung cấp mục tiêu nghiên cứu bằng ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống AI sẽ đề xuất giả thuyết mới, tổng hợp tài liệu khoa học và xây dựng giao thức thử nghiệm, giúp các nhà khoa học tối ưu hóa quy trình nghiên cứu. Công nghệ này kết hợp nhiều thành phần chuyên biệt gồm: Generation: Tạo ra giả thuyết mới dựa trên dữ liệu hiện có; Reflection: Phân tích và đánh giá lại kết quả nghiên cứu; Ranking: Xếp hạng các giả thuyết theo mức độ khả thi; Evolution: Điều chỉnh giả thuyết theo dữ liệu mới; Proximity: Liên kết các khái niệm khoa học để tìm ra mối tương quan tiềm năng; Meta-review: Tổng hợp và phản biện các kết quả nghiên cứu.
Hệ thống mô phỏng chính quy trình khoa học bằng cách liên tục tạo lập, đánh giá và tinh chỉnh giả thuyết, đảm bảo đầu ra có độ chính xác cao và tiềm năng đột phá. Trong quá trình thử nghiệm, công cụ đã được triển khai tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và Imperial College London (Vương quốc Anh), giúp các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu lớn, đề xuất giả thuyết mới và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu y sinh. Nhờ khả năng xử lý thông tin ưu việt, AI không chỉ hỗ trợ các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên môn mà còn giúp họ nhanh chóng tiếp cận kiến thức liên ngành, tối ưu hóa thời gian và nguồn lực. Theo kết quả thử nghiệm ban đầu, hệ thống có khả năng hoàn thành một nghiên cứu y sinh phức tạp vốn cần hơn một thập kỷ chỉ trong vòng hai ngày, mở ra tiềm năng cách mạng hóa phương pháp nghiên cứu truyền thống.
Ảnh minh họa
Được biết, DeepMind – đơn vị nghiên cứu AI của Google đang tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khoa học với mục tiêu tăng tốc khám phá tri thức mới. Giám đốc điều hành DeepMind, Demis Hassabis, người vừa được trao giải Nobel Hóa học năm 2024 nhờ mô hình AI dự đoán cấu trúc protein phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển hệ thống AI tiên tiến. Trong tương lai, Google kỳ vọng công cụ có thể mở rộng sang các lĩnh vực khoa học khác và trở thành một trợ lý nghiên cứu đa năng, hỗ trợ từ việc tổng hợp tài liệu cho đến trực tiếp đề xuất giả thuyết thử nghiệm.
Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn, Google khẳng định AI “nhà khoa học đồng hành” chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp tối ưu hóa công việc và thu thập tài liệu, không nhằm thay thế con người trong các quy trình khoa học. Điều này phần nào xoa dịu lo ngại về việc AI có thể làm lu mờ vai trò của các nhà nghiên cứu trong tương lai.
Hoang Nam