logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng camera AI gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng

Ngày đăng: 17/7/2025

(TAP) - Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam (viết tắt: CSGT) đã vận hành thử nghiệm Trung tâm thông tin chỉ huy cấp 1, tích hợp hệ thống camera giám sát và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động phát hiện vi phạm giao thông, hành vi gây rối trật tự công cộng, hỗ trợ điều tra các vụ tai nạn. 

Theo Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam, sáng ngày 17/7 (giờ địa phương), các cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông cùng nhiều đơn vị phối hợp vận hành thử nghiệm Trung tâm thông tin chỉ huy đặt tại Hà Nội. Đây là trung tâm quản trị cấp 1 với công nghệ hiện đại, kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); kết nối nhiều nhánh nhỏ trên cả nước và toàn bộ camera giám sát trên tất cả tuyến đường. Mục tiêu chính hướng đến bao gồm việc hình thành ý thức, văn hóa giao thông; duy trì sự chấp hành luật giao thông của người dân nhờ vào sự hỗ trợ từ công nghệ.

Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng camera AI gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng

Cận cảnh Trung tâm chỉ huy Cục CSGT hoạt động 24/24, sử dụng camera AI tự động phát hiện vi phạm. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nhận định, trung tâm đang từng bước hoàn thiện, tạo nền tảng xây dựng bộ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Ông nhấn mạnh: “Nếu trước kia chúng ta duy trì bằng con người - tức là cán bộ chiến sĩ phải xuất hiện, thì tới đây sẽ duy trì bằng công nghệ, hoạt động 24/24 giờ, công bằng và khách quan”.

Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng camera AI gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT tại Trung tâm chỉ huy Cục CSGT. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam

Hiện AI đã có thể nhận diện khoảng 20 hành vi vi phạm ở ô tô, xe máy. Về cơ chế hoạt động, sau khi ghi nhận phương tiện vi phạm, hệ thống lập tức trích xuất ảnh hoặc clip liên quan, đầy đủ thông tin như thời gian, địa điểm, hành vi, tuyến đường, các đặc điểm của phương tiện để chuyển sang file. Từ file trên, cảnh sát trực tiến hành đối soát dữ liệu liên quan như đăng ký xe, xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, đăng kiểm, thông tin chủ xe để xác minh, bổ sung dữ liệu rồi gửi cảnh báo đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic trong 2 tiếng. Để nhận thông báo, chủ phương tiện phải cài ứng dụng trên di động. Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông đối với các xe vi phạm trên 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP. HCM - Trung Lương. 

Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng camera AI gửi thông báo vi phạm trong 2 tiếng

Ứng dụng VNeTraffic để giao tiếp giữa CSGT và người tham gia giao thông, tra cứu, gửi thông báo vi phạm và nhiều tiện ích khác. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam

Nội dung Cục CSGT đăng tải cũng đề cập đến việc ngoài giám sát hành vi vi phạm, trung tâm còn quản trị toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông lúc tuần tra kiểm soát. Qua bản đồ số, lực lượng chức năng có thể theo dõi từng tổ công tác trên địa bàn, biết họ đang làm việc ở đâu, thuộc đơn vị nào, đang xử lý chuyên đề gì, xe tuần tra hiện hoạt động hay dừng đỗ,... Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, hệ thống cho phép điều động lực lượng gần nhất tới hiện trường. Đặc biệt, nơi đây cũng có khả năng hỗ trợ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Ví dụ như trường hợp gây tai nạn bỏ chạy, nếu nhân chứng nhớ màu xe, loại xe hay đặc điểm trang phục tài xế, các cán bộ trực tại thời điểm đó sẽ lọc dữ liệu từ camera để truy xuất phương tiện phù hợp thời gian, khu vực xảy ra vụ việc, từ đó dựng lại toàn bộ hành trình phương tiện nghi vấn.

Song song chức năng xử lý vi phạm, Cục CSGT cũng phát triển cơ chế làm việc không giấy tờ tại chỗ cho lực lượng tuần tra. Các tổ công tác trang bị thiết bị chuyên dụng tích hợp ứng dụng cảnh sát giao thông để đọc dữ liệu căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay tài xế. Việc kiểm tra giấy phép lái xe, đăng ký xe thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ. Sau khi người vi phạm xác nhận hành vi, biên bản điện tử được lập tự động, đồng bộ với hệ thống xử lý vi phạm, kho bạc, ngân hàng và cổng dịch vụ công. Người dân có thể nộp phạt trực tuyến mà không cần đến trụ sở công an.

Theo Phó Cục trưởng Cục CSGT, Đại tá Phạm Quang Huy, trung tâm điều hành hiện tại là mô hình tổng, sẽ kết nối thêm 34 nhánh cấp tỉnh thời gian tới. Việc mở rộng này nhằm hình thành mạng lưới giám sát giao thông thống nhất, thông minh, chủ động ứng phó, xử lý các tình huống giao thông trên toàn quốc.

Phương Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan