(TAP) - Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại tại một số quốc gia Đông Nam Á, các cơ quan y tế Thái Lan và Campuchia đồng loạt đưa ra khuyến cáo: người dân cần nâng cao cảnh giác, nhưng không hoang mang. Đồng thời, việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa cá nhân vẫn là hiệu quả giúp kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn mới.
Tại Thái Lan, theo thông tin từ Văn phòng Quan hệ Công chúng tỉnh Nakhon Sawan(สำนักงานประชาสัมพันธ์จังหวัดนครสวรรค์), số ca mắc COVID-19 đang tăng, đúng như dự báo từ sau kỳ lễ Songkran cho đến mùa mưa – thời điểm có nguy cơ lây lan mạnh hơn. Tuy nhiên, mức độ lây lan hiện tại vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 - 2024. Bộ Y tế Thái Lan khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi triệu chứng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như vaccine cúm mùa, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Thông tin từ Văn phòng Quan hệ Công chúng tỉnh Nakhon Sawan (สำนักงานประชาสัมพันธ์จังหวัดนครสวรรค์),
Phát biểu ngày 09/5 (giờ địa phương), bác sĩ Weerawat Manosutthi – người phát ngôn của Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết đợt lây lan hiện tại chủ yếu xảy ra tại các đô thị lớn như Bangkok, Chonburi, Phuket, Nonthaburi và Rayong. Theo dự báo dịch tễ, đợt dịch sẽ kéo dài trong khoảng tháng 4 - 5, nhưng không nghiêm trọng như các năm trước. Nguyên nhân chính là do gia tăng tiếp xúc cộng đồng sau lễ hội Songkran và sự xuất hiện của biến thể virus mới đang lưu hành, làm tăng tốc độ lây nhiễm. Dù số ca tăng so với trước Songkran, nhưng vẫn thấp hơn năm 2024. Đồng thời, cúm mùa cũng đang trên đà tăng từ đầu năm, dẫn đến tình trạng ghi nhận đồng thời cả COVID-19 và cúm trong tháng 5.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, vào ngày 10/5, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan, ông Somsak Thepsutin khẳng định COVID-19 hiện được phân loại là bệnh đặc hữu tại Thái Lan và có thể ghi nhận quanh năm. Ông trấn an người dân rằng phần lớn các ca mắc hiện nay chỉ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh người dân không nên chủ quan và cần tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo y tế công cộng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Cập nhật đến ngày 10/5, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 53.676 ca mắc COVID-19 và 16 ca tử vong kể từ đầu năm. Tuần thứ 18 (từ ngày 27/4 đến ngày 03/5) ghi nhận số ca mắc cao nhất với 14.349 ca và 2 ca tử vong, nhưng sang tuần thứ 19 (từ ngày 04 - 10/5), số ca đã giảm xuống còn 12.543 ca, cho thấy dấu hiệu chững lại. Mặc dù biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron lưu hành tại Thái Lan có tốc độ lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chúng gây bệnh nặng hơn. Trước tình hình đó, Chính phủ Thái Lan điều chỉnh chiến lược tiêm chủng và khuyến nghị người dân tiêm nhắc lại hàng năm, tương tự như phòng cúm mùa.
Còn tại Campuchia, Bộ Y tế nước này vào ngày 12/5 (giờ địa phương) phát đi thông cáo thông cáo cảnh báo về sự lưu hành của biến thể mới JN.1 – một nhánh phụ của Omicron. Theo đó, biến thể JN.1 xuất hiện lần đầu vào tháng 8/2023 và lan rộng toàn cầu. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp JN.1 vào nhóm biến thể đang được theo dõi (VOI) do khả năng lây lan nhanh và những đặc điểm sinh học đáng chú ý. Tính đến giữa tháng 3/2025, JN.1 chiếm hơn 15% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu.
Thông cáo đăng tải trên trang web Bộ Y tế Campuchia (ក្រសួងសុខាភិបាល)
Về mặt triệu chứng, người nhiễm JN.1 không có nhiều khác biệt so với các biến thể Omicron trước đó. Các biểu hiện thường gặp gồm: sốt, ho khan, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy tương tự như cúm mùa thông thường. Tuy nhiên, biến thể JN.1 có khả năng lây lan mạnh hơn và né tránh miễn dịch hiệu quả hơn, do mang nhiều đột biến ở protein gai của virus. Mặc dù mức độ nghiêm trọng chưa cao, các cơ quan y tế Campuchia vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa, đặc biệt ở nhóm dễ tổn thương bao gồm: người già, người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai...
Trong những tháng gần đây, Campuchia vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc COVID-19 rải rác. Riêng ngày 12/5 không có ca mới nào, sau khi báo cáo 3 ca vào ngày trước đó. Tổng số ca mắc của nước này đến nay là 139.341 ca, với 3.056 ca tử vong. Tỷ lệ tiêm vaccine đạt 95,73% dân số, tương đương hơn 15,3 triệu liều được tiêm. Hiện nay, nước này đang triển khai tiêm mũi tăng cường lần thứ 6 nhằm tăng cường khả năng bảo vệ trước các biến thể mới như BA.4, BA.5 và JN.1.
Tuy các biến thể như XBB.1.16 và JN.1 chưa gây ra mức độ nghiêm trọng như những đợt dịch trước, nhưng tốc độ lây lan nhanh cùng nguy cơ cao đối với nhóm dễ tổn thương tiếp tục đặt ra mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, mọi người nên duy trì các biện pháp phòng ngừa sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 40 giây hoặc dùng dung dịch sát khuẩn tay trong tối thiểu 20 giây;
- Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thay khẩu trang khi bị ẩm hoặc mất tác dụng bảo vệ;
- Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay, khăn giấy hoặc khẩu trang, sau đó xử lý đúng cách;
- Tránh khạc nhổ nơi công cộng; hạn chế đến chỗ đông người nếu xuất hiện triệu chứng như sốt, ho, khó thở;
- Giữ khoảng cách an toàn với người có dấu hiệu mắc bệnh;
- Tiêm đầy đủ các mũi vaccine, bao gồm liều tăng cường, nhằm tăng khả năng bảo vệ cá nhân và góp phần ổn định cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”.
Duy trì thói quen phòng dịch và hoàn tất lịch tiêm chủng vaccine vẫn là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh quay trở lại.
Trang Thanh