logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cơm lam của người Mường Động - Lưu giữ hồn quê trong từng ống tre nứa

Ngày đăng: 4/7/2025

(TAP) - Trên những sườn núi thoai thoải của miền Tây Bắc, nơi người Mường Động (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam) sinh sống không chỉ có ruộng bậc thang, làn suối mát rì rào hay ngôi nhà sàn đặc trưng mà còn có một món ăn vô cùng dân dã - cơm lam. Chỉ từ ba nguyên liệu: gạo nếp, nước suối, ống tre, người dân nơi đây đã làm nên món cơm phản ánh tinh thần sống gắn bó với thiên nhiên, gửi gắm cả nét văn hóa dân tộc, lưu giữ hồn quê trong từng ống tre nứa. 

Món cơm lam ra đời từ hoàn cảnh thực tế: Người dân Mường Động thường phải đi rừng, đi nương từ sáng sớm để kiếm thức ăn, thậm chí phải ngủ lại rừng. Do không tiện mang theo xoong nồi để nấu, họ chỉ để bên mình một chút gạo, ít muối trắng hoặc cầu kỳ hơn là thịt ướp sẵn làm lương thực. Khi gần đến bữa ăn, họ chặt ống tre, ống nứa bên đường rồi cho gạo, nước vào trong, đem nướng trên lửa, nấu chín thành món cơm lam. Dần dà, món ăn này trở thành đặc sản đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. 

Cơm lam của người Mường Động - Lưu giữ hồn quê trong từng ống tre nứa

Cơm lam - Món ăn dân dã của người Mường Động. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình.

Người Mường Động thường ăn cơm lam với thịt gà nướng giấy bạc, thịt lợn rừng quay, cá nướng hoặc cá lam và một gia vị không thể thiếu là muối vừng. Khác với món cơm lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn,... cơm lam nơi đây không có hạt lạc, hạt đậu. Ống cơm của người dân tộc ở Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi thơm từ dừa, nước cốt dừa hoặc mùi mía, lá rừng Hoà Bình. Hiện nay, người Mường Động còn tạo ra món cơm lam nhiều màu sắc phong phú trông rất đẹp mắt nhờ màu tự nhiên từ các loại lá cây, củ, quả. Chẳng hạn như: Màu đỏ từ cây cơm lông hay từ quả gấc, màu xanh lá gừng, màu tím lá cẩm, màu vàng nghệ già. 

Nguyên liệu làm cơm cụ thể gồm có gạo nếp (chỉ dùng gạo nếp nương mà người Mường Động trồng trên các sườn núi); ống tre, nứa hoặc ống hóp cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài khoảng 35 - 40cm, độ tươi vừa phải, không quá già, không quá non. Vì dùng tre quá già vỏ sẽ khô, dễ nứt khi gặp lửa còn dùng tre non thì dễ cháy. Trước khi nấu, mọi người thường lót vào ống một lớp lá chuối hoặc lá dong để cơm không bám dính thành tre.

Điểm đặc biệt của cơm lam nằm ở cách chế biến. Gạo nếp ngâm khoảng 8 - 12 tiếng để đảm bảo hạt gạo mềm, dễ chín. Sau khi vo sạch, trộn thêm một chút muối trắng, cùi dừa nạo băm nhỏ vào gạo, nén chúng thật chặt rồi đổ thêm nước cho đầy miệng ống, dùng lõi ngô hoặc mẩu mía đóng chặt rồi xếp quanh củi thành hình tròn. Trong thời gian đốt, ống cơm được người dân liên tục xoay đều tay để gạo chín đều mà vỏ ngoài không bị cháy sém. Họ thường nhấc ống lên rồi dằn mạnh xuống đất để giúp hạt gạo kết khối chắc hơn. Khi nước bắt đầu cạn, chiếc ống đặt nằm ngang, xoay đều để vỏ tre cháy vàng rực. Khi mùi tre, nứa bay lên nồng nàn, người nướng mở miệng ống kiểm tra thấy miếng cơm mềm, ấn tay không thấy khô, đó chính là thời điểm cơm đã chín hoàn hảo. Lớp vỏ bên ngoài được gọt mỏng đi, để lộ ra bên trong lớp cơm trắng ngà, bóng mượt, mang vỏ lụa mềm từ lõi tre. Người Mường Động cắt mỗi ống ra thành từng khúc ngắn vừa phải và thưởng thức. 

Cơm lam của người Mường Động - Lưu giữ hồn quê trong từng ống tre nứa

Không chỉ có giá trị ẩm thực, cơm lam còn đóng góp vào phát triển nền kinh tế địa phương. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình.

Qua thời gian, cơm lam dần trở thành một dấu ấn đặc biệt ở đời sống người Mường Động. Năm 2021, cơm lam Mường Động được ghi nhận trong danh sách 100 món ăn đặc sắc của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố. Đến tháng 6/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cơm Lam Mường Động” cho UBND huyện Kim Bôi, đưa sản phẩm vào danh mục OCOP 3 sao của tỉnh. Không chỉ bán tại các điểm du lịch như suối khoáng Kim Bôi, Cửu Thác, thác Mặt Trời hay các resort cao cấp, sản phẩm còn bày bán tại Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác. Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, hoạt động sản xuất cơm lam giúp nhiều hộ gia đình tại Kim Bôi có thêm việc làm, cải thiện kinh tế đáng kể. Vào các ngày lễ, mỗi hộ có thể tiêu thụ từ 100 đến 300 ống cơm mỗi ngày với giá trung bình 10.000 đến 15.000 đồng mỗi ống. Nhờ đó, chất lượng đời sống người dân nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương; phong tục làm cơm lam tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Cơm lam - món ăn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chứa bao cảm xúc, câu chuyện về lao động, sự thích nghi với thiên nhiên người dân bản địa. Khi cầm ống cơm tre, bóc từng lớp vỏ, cắn một miếng cơm thơm nồng, ta không chỉ cảm nhận vị dẻo từ nếp mà còn cảm nhận vẹn nguyên hình ảnh đất đai, núi rừng, con người Mường Động quanh bếp lửa - một bức tranh văn hóa giản dị mà đầy chất thơ vùng Tây Bắc.

Phuong Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan