logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Chuyên gia California nói về quy trình quản lý di sản và bảo tồn văn hoá bản địa

Ngày đăng: 5/7/2025

(TAP) – Theo các chuyên gia tại Công viên Tiểu bang California  - đơn vị quản lý nhiều tài nguyên văn hóa quan trọng bậc nhất tiểu bang, việc quản lý di sản và bảo tồn văn hoá bản địa cần được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và chuyên nghiệp.

Di sản văn hóa không chỉ là cầu nối với quá khứ mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững, giúp cộng đồng tự hào về nguồn cội. Bảo tồn di sản là nhu cầu cấp bách của nhiều tiểu bang nhằm gìn giữ bản sắc, lịch sử, tri thức và bảo vệ những giá trị tinh thần không thể thay thế, đặc biệt với những cộng đồng dân tộc đa dạng ở Mỹ. Nếu không bảo vệ kịp thời, những di sản này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trước dòng chảy hiện đại và xâm lấn của quá trình đô thị hóa.

Chuyên gia California nói về quy trình quản lý di sản và bảo tồn văn hoá bản địa

Việc quản lý di sản và bảo tồn văn hoá bản địa đòi hỏi quy trình chặt chẽ và chuyên nghiệp. Nguồn: California State Parks

Theo trang Công viên tiểu bang California (California State Parks, viết tắt: CSP), đơn vị này đang được phân công quản lý nhiều tài nguyên văn hóa quan trọng bậc nhất tiểu bang, từ các công trình lịch sử, hiện vật bảo tàng, đến những thị trấn thời kỳ đào vàng, làng cổ thuộc về cộng đồng bản địa. CSP nhấn mạnh, việc quản lý các di sản quan trọng cần được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và chuyên nghiệp, với 03 bước riêng biệt.

Trong đó, công tác đầu tiên là lập bản kiểm kê toàn diện, ghi chép chi tiết về các nguồn tài nguyên văn hóa. Quá trình khảo sát từng khu vực, xác định vị trí và mô tả những dấu tích còn sót lại từ hoạt động của con người trong quá khứ, thường được thực hiện dưới sự hỗ trợ lẫn nhau giữa những chuyên gia, nhà quản lý, sử gia và nhân viên khảo cổ. Qua quá trình này, họ có thể phát hiện các trầm tích khảo cổ, tàn tích, mỏ bị bỏ hoang hoặc một số đặc điểm về kiến trúc cổ. Mỗi khu vực khảo sát còn cung cấp dữ liệu tổng quan về nhiều thời kỳ khác nhau, làm cơ sở so sánh trong tương lai.

Chuyên gia California nói về quy trình quản lý di sản và bảo tồn văn hoá bản địa

Bảo tồn di sản là nhu cầu cấp bách của nhiều tiểu bang, đặc biệt đối với nước Mỹ - quốc gia đa dạng cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo. Nguồn: California State Parks

Bước tiếp theo là đánh giá tầm quan trọng và hiện trạng của các nguồn tài nguyên. Thông thường, chuyên gia bảo tàng sẽ tiến hành nghiên cứu hiện vật để xác định giá trị văn hóa, cũng như mối liên hệ của chúng với từng sự kiện hay nhân vật lịch sử. Nhà sử học và khảo cổ học áp dụng những tiêu chí của sổ đăng ký quốc gia về các địa điểm lịch sử để đánh giá công trình kiến trúc, địa điểm khảo cổ và cảnh quan văn hóa. Kết quả, báo cáo chung sẽ được lập ra để nêu bật đặc điểm, nhận diện các nguy cơ ảnh hưởng và đề xuất phương án bảo tồn. Trong đó, báo cáo liên quan đến cấu trúc lịch sử thường cung cấp thông tin chi tiết kiến trúc nguyên bản, riêng về hiện vật sẽ tập trung vào tình trạng vật lý của từng món hiện vật cụ thể.

Bước cuối cùng, việc quản lý chủ động được thực hiện để bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên, đồng thời giúp công chúng hiểu và trân trọng chúng. Các chuyên gia văn hóa triển khai những biện pháp như loại bỏ graffiti (hình vẽ bậy) khỏi những địa điểm nghệ thuật đá cổ hoặc gia cố lại các cấu trúc lịch sử, nhằm ngăn chặn sự xuống cấp và giữ gìn di sản cho thế hệ mai sau.

Tu Viet

Loading comments...

Bài viết liên quan