logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cặp chim cánh cụt đồng giới nuôi dưỡng một chim non quý hiếm ở Anh

Ngày đăng: 7/7/2025

(TAP) - Tại Vườn thú Chester (Vương quốc Anh), cặp đôi chim cánh cụt đồng giới (đực) thuộc chủng Humboldt với tên gọi “Scampi” và “Flounder” đang nuôi dưỡng một chú chim non quý hiếm, đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.

Thông tin ngày 4/7 từ ban quản lý Vườn thú Chester (Chester Zoo), chú chim non này là một trong 10 cá thể được sinh ra trong thời điểm được đánh giá là mùa sinh sản “bội thu” (bumper) đối với loài chim cánh cụt địa phương. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for the Conservation of Nature) xếp chim cánh cụt Humboldt vào danh sách dễ bị tổn thương, đồng thời là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số 17 loài cánh cụt trên thế giới.

Cặp chim cánh cụt đồng giới nuôi dưỡng một chim non quý hiếm ở Anh

Vườn thú Chester thông báo, một cặp chim cánh cụt đồng giới đức vừa nhận nuôi dưỡng thành công một chú chim non quý hiếm. Nguồn: Chester Zoo

Cũng theo Vườn thú Chester, cá thể chim non kể trên có nguồn gốc từ một tổ chim cánh cụt gồm 2 trứng, sinh ra trong năm nay. Các chuyên gia đã chia một quả cho Scampi và Flounder nuôi dưỡng nhằm đảm bảo cơ hội sống sót cao nhất cho tất cả chim non. Trứng chim cánh cụt thường được ấp trong khoảng 40 ngày, chim non sẽ mất thêm khoảng 3 ngày nữa để chui ra khỏi vỏ.

Chim cánh cụt thường chia sẻ trứng và chăm sóc con non theo nhóm để tăng khả năng sống sót. Trong môi trường khắc nghiệt, việc luân phiên ấp trứng giúp giữ ấm liên tục, tránh đóng băng. Nhiều cá thể cùng bảo vệ trứng hoặc con non cũng làm giảm nguy cơ bị loài săn mồi tấn công. Ngoài ra, nếu bố mẹ gặp rủi ro, những con khác trong đàn có thể thay thế, đảm bảo thế hệ sau được an toàn. Chim bố mẹ sẽ luân phiên chăm sóc con non bằng cách ăn cá do nhân viên sở thú cung cấp, sau đó nghiền nhỏ thành một hỗn hợp giàu dinh dưỡng và mớm cho con.

Cặp chim cánh cụt đồng giới nuôi dưỡng một chim non quý hiếm ở Anh

Chim cánh cụt Humboldt vốn có nguồn gốc từ bờ biển Nam Mỹ, hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Nguồn: Chester Zoo

Đại diện sở thú cho biết, mặc dù Scampi lẫn Flounder đều chưa từng có kinh nghiệm ấp trứng hay nuôi con trước đó, nhưng việc các cặp chim cánh cụt đồng giới nuôi con không phải điều hiếm gặp. Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp tương tự được ghi nhận tại Úc, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Kể từ khi sinh ra vào tháng 4, ban quản lý vườn thú đã đặt tên cho tám trong số mười chú chim cánh cụt con theo chủ đề thiên thể (các vật thể tự nhiên tồn tại trong không gian vũ trụ) như Ursa, Orion hay Altair. Tên chú chim do Scampi và Flounder nhân nuôi hiện vẫn đang được người hâm mộ đề xuất trên mạng xã hội. Quản lý nhóm dự án Vườn thú Chester - bà Zoe Sweetman chia sẻ, các chú chim non tăng kích thước gấp 4 lần so với lúc mới sinh và chuẩn bị trải qua cột mốc quan trọng: Buổi học bơi đầu tiên. Theo bà Sweetman, khoảnh khắc đó luôn là trải nghiệm đầy cảm xúc tại sở thú.

Chim cánh cụt Humboldt vốn có nguồn gốc từ bờ biển Nam Mỹ, hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Trong 40 năm qua, số lượng loài giảm tới 85%. Quần thể tại Vườn thú Chester đóng vai trò quan trọng trong chương trình nhân giống quốc tế, giúp bảo tồn nguồn gen khỏe mạnh cho loài trên toàn châu Âu. Loài chim này chủ yếu ăn cá nhỏ và giáp xác, sống chủ yếu dưới nước, có thể sống tới 20 năm trong điều kiện nuôi dưỡng tốt. Theo dõi cân nặng và phát triển của chim non là một phần quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe. Sự kiện Scampi và Flounder nhận nuôi thành công chim non không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt với giới bảo tồn mà còn là thông điệp tích cực về sự đa dạng trong hành vi nuôi dưỡng.

Cặp chim cánh cụt đồng giới nuôi dưỡng một chim non quý hiếm ở Anh

Vườn thú Chester kêu gọi mạng xã hội đặt tên cho 2 chú chim cánh cụt con. Nguồn: Facebook “Chester Zoo”

Mobius Nguyen

Loading comments...

Bài viết liên quan