logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cảnh giác trước chiêu trò giả fanpage lừa đảo khi du lịch tại Việt Nam

Ngày đăng: 19/7/2025

(TAP) - Trong thời gian gần đây, tình trạng giả mạo fanpage các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, du khách quốc tế nói chung và kiều bào Việt Nam nói riêng có kế hoạch về nước du lịch cần đặc biệt cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Bước vào mùa du lịch hè 2025, nhu cầu đặt vé máy bay, tour trọn gói, combo nghỉ dưỡng tại Việt Nam tăng mạnh. Lợi dụng cơ hội này, nhiều đối tượng lừa đảo đã đẩy mạnh hoạt động, gây thiệt hại đáng kể cho du khách. Theo ghi nhận của TAP News, các đối tượng thường giả mạo trang fanpage, website của doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khách sạn nổi tiếng. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “cảnh báo giả mạo fanpage” trên mạng xã hội Facebook, người dùng có thể thấy hàng trăm bài đăng không chỉ từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch mà còn có cả ngân hàng, bệnh viện cùng nhiều lĩnh vực khác.

Cảnh giác trước chiêu trò giả fanpage lừa đảo khi du lịch tại Việt Nam

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “cảnh báo giả mạo fanpage” trên mạng xã hội Facebook, người dùng có thể thấy hàng trăm bài đăng cảnh báo không chỉ về ngành du lịch mà còn liên quan đến ngân hàng, bệnh viện và nhiều lĩnh vực khác

Nguy hiểm hơn, các trang giả mạo được thiết kế tinh vi, sao chép gần như nguyên bản giao diện chính thức, gắn kèm đường dẫn đến website lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc. Đáng chú ý, để tăng độ tin cậy, nhiều trang lừa đảo còn sử dụng dịch vụ "tích xanh" hoặc mua lại tài khoản Facebook có sẵn. Theo các bài cảnh báo, chiêu trò phổ biến của nhóm này là đăng tải thông tin chạy quảng cáo về tour giá rẻ hoặc combo ưu đãi hấp dẫn trên mạng xã hội để dụ dỗ khách hàng với giá gần tương đương thị trường nhằm tránh bị nghi ngờ. Sau khi nạn nhân chuyển khoản đặt cọc (thường là 50% giá trị tour), chúng cung cấp mã đặt phòng giả rồi nhanh chóng "biến mất". Ngoài ra, một số đối tượng còn sử dụng email giả mạo, thậm chí liên hệ trực tiếp để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền. 

Điển hình như trường hợp của chị Phạm Thị Huyền Thoại (phường Bình Kiến, tỉnh Đắk Lắk) trở thành nạn nhân của một chiêu trò lừa đảo tinh vi. Theo báo Tin tức và Dân tộc đưa tin ngày 14/7, chị Thoại bị mất 1,35 triệu đồng vì đặt phòng qua một trang Facebook giả mạo homestay ở Ô Loan (tỉnh Đắk Lắk). Vốn đã từng lưu trú tại đây nên chị không ngờ vực, chủ động chuyển tiền đặt cọc. Thế nhưng, sau giao dịch, kẻ gian lại tiếp tục đòi thêm tiền với lý do “lỗi hệ thống”. Chỉ đến lúc kiểm tra kỹ, chị mới giật mình nhận ra mình bị lừa bởi trang Facebook giả mạo.

Một ví dụ khác được báo Nhân Dân đề cập ngày 15/4 liên quan đến Poseidon Hotel Quảng Bình. Ông Lê Thế Duy Hoàng - Giám đốc khách sạn cho biết đơn vị nhận nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị chặn liên lạc sau khi chuyển tiền đặt phòng qua fanpage giả mạo. Đến lúc xác minh, khách sạn khẳng định đây hoàn toàn là trang lừa đảo.

Trước thực trạng các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, du khách quốc tế nói chung và kiều bào Việt Nam nói riêng có kế hoạch về nước du lịch cần đặc biệt cảnh giác. Theo khuyến cáo của Cục A05 (Bộ Công an Việt Nam), người dân và du khách, đặc biệt là khách quốc tế nên hết sức thận trọng khi đặt tour, vé máy bay hay phòng khách sạn qua mạng xã hội. Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, người dùng cần kiểm tra kỹ uy tín của website hoặc fanpage bằng cách xem lịch sử đổi tên, quốc gia quản trị, thông tin liên hệ. Đặc biệt, hãy cảnh giác với những tài khoản mới lập, các chương trình khuyến mãi giá rẻ bất thường hoặc yêu cầu đặt cọc, chuyển tiền trước tới 50%. Ngay cả những trang có dấu “tích xanh” cũng không hoàn toàn đáng tin vì có thể bị kẻ gian lợi dụng. Do đó, trước khi thanh toán, du khách nên xác minh thông tin qua các kênh chính thức của doanh nghiệp. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần lập tức dừng giao dịch, lưu giữ toàn bộ bằng chứng, nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, người dân, kiều bào, du khách cũng có thể tìm hiểu cẩm nang chống lừa đảo trực tuyến của Cục A05 tại: https://bit.ly/CamNang-PhongChongLuaDaoOnline 

Cảnh giác trước chiêu trò giả fanpage lừa đảo khi du lịch tại Việt Nam

Cảnh báo từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng nghệ thuật công cao (A05 – Bộ Công an Việt Nam)

Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động các vụ lừa đảo du lịch tinh vi nhắm vào cả du khách nội địa lẫn quốc tế, đe dọa uy tín ngành du lịch vốn đang trên đà phục hồi. Trong thời gian chờ đợi các giải pháp kỹ thuật, pháp lý dài hạn, cách phòng vệ tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao cảnh giác cá nhân. Mỗi du khách cần có kiến thức, tìm hiểu kỹ để tránh bị “tiền mất tật mang” khi đi du lịch.

Jame Le

Loading comments...

Bài viết liên quan