(TAP) – Giữa lúc căng thẳng biên giới leo thang, Chính phủ Campuchia chính thức ra lệnh cấm nhập khẩu và phát sóng tất cả phim ảnh, chương trình truyền hình Thái Lan từ ngày 13/6, đồng thời tuyên bố tẩy chay các đường truyền internet quốc tế kết nối qua đối phương. Chủ tịch Thượng viện nước này cũng đề nghị ngừng nhập khẩu hàng hóa từ chính quyền Bangkok.
Thông tin do Đơn vị Báo chí và Phản ứng nhanh (Press and Quick Reaction Unit) của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (Office of the Council of Ministers, viết tắt: OCM) Campuchia đăng ngày 13/6 cho biết, Bộ Thông tin phía Phnom Penh (Ministry of Information) đã chỉ thị cho tất cả các đài truyền hình địa phương ngừng phát sóng phim Thái Lan, có hiệu lực từ ngày 13/6. Động thái này được cho là phản ứng trực tiếp sau cuộc đụng độ vũ trang tại khu vực biên giới tranh chấp vào ngày 28/5, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Bộ Thông tin Campuchia chỉ thị cho tất cả các đài truyền hình địa phương ngừng phát sóng phim Thái Lan từ ngày 13/6. Nguồn: Press and Quick Reaction Unit
OCM dẫn lời các quan chức nước này nói rằng, lệnh cấm bao gồm những bộ phim truyền hình nổi tiếng của quốc gia “Chùa Vàng” từng thu hút đông đảo khán giả Campuchia. Chính phủ Phnom Penh cũng khẳng định sẽ định tuyến lại toàn bộ lưu lượng internet quốc tế qua các nước khác, với mục tiêu giáng đòn tài chính lên Bangkok. Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia (Minister of Post and Telecommunication) - ông Chea Vandeth cho biết, các nhà mạng Campuchia đã thực hiện việc cắt kết nối đường truyền internet với Thái Lan, đồng thời nhận định hành động trên có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho đối phương.
Theo OCM, căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia Đông Nam Á bị đẩy cao trong tuần qua sau những lời qua tiếng lại giữa Chính phủ đôi bên, bất chấp một số tuyên bố cứng rắn đã được rút lại, bao gồm lời kêu gọi cắt điện và internet từ phía Thái Lan. Đáp lại, Thủ tướng Campuchia – ông Hun Manet nói, Chính phủ nước này sẽ tăng cường khả năng tự lực về công nghệ. Sau đó, Campuchia và Thái Lan đã đưa ra các biện pháp không sử dụng vũ lực để gây áp lực, như việc Bangkok siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới. Giới quan sát nhận định rằng phần lớn những phát ngôn và hành động đều nhằm trấn an dư luận mỗi nước, đặc biệt là các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc, có phần cực đoan.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đề xuất ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Bangkok để đáp trả các đe dọa từ đối phương. Nguồn: Press and Quick Reaction Unit
Cũng trong ngày 13/6, Bộ Mỹ thuật Campuchia (Ministry of Fine Arts) đã yêu cầu các rạp chiếu phim và nhà phân phối lập tức ngừng nhập khẩu, trình chiếu phim Thái Lan, thay thế bằng nội dung từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc được sản xuất nội địa. Đồng thời, Chủ tịch Thượng viện Campuchia – ông Hun Sen đề xuất ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Bangkok để đáp trả các đe dọa cắt điện, internet từ các nhóm cực đoan phía đối phương. Cựu Thủ tướng Campuchia khẳng định, nước này vẫn có thể chịu được “hậu quả” nếu lao động nhập cư Campuchia tại Thái Lan hồi hương. Ông Hun Sen kêu gọi kiện Thái Lan ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice, viết tắt: ICJ) nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Các biện pháp mạnh mẽ này được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp của Ủy ban chung về phân định biên giới giữa hai nước tại Phnom Penh (14/6), nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ. Trong đó, khu vực đền Preah Vihear luôn là điểm nóng kể từ sau phán quyết của ICJ vào năm 1962, được tái khẳng định vào năm 2023. Khu vực tranh chấp được biết là một vùng đất nhỏ chưa được phân định rõ ràng, dọc biên giới hai nước. Mặc dù không có tuyên bố chính thức nào về việc rút quân, nhưng cả hai hiện đã âm thầm rút lực lượng sau cuộc đụng độ để tránh nổ ra xung đột lớn hơn.
Kelvin Huynh