(TAP) – Gần đây, cảnh sát Campuchia đã ra quân, quyết liệt trấn áp lừa đảo trực tuyến và bắt giữ hơn 1.000 nghi phạm. Hành động này diễn ra sau cảnh báo trước đó của Tổng thống Hun Manet, về việc sẽ sa thải các quan chức cấp cao nếu không ngăn chặn lừa đảo trực tuyến trên toàn quốc.
Theo Bộ Thông tin Campuchia (Ministry of Information Banner) ngày 16/7, thời gian qua, lực lượng thực thi pháp luật nước này đã đột kích nhiều địa điểm, bao gồm thủ đô Phnom Penh, thành phố biên giới Poipet (tỉnh Banteay Meanchey) và thành phố ven biển Sihanoukville, đồng thời bắt giữ hơn 1.000 nghi phạm liên quan đến lừa đảo trực tuyến.
Campuchia bắt giữ hơn 1.000 nghi phạm liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Nguồn: Ministry of Information Banner
Phần lớn vụ bắt giữ được báo cáo là công dân nước ngoài. Tờ Associated Press (AP) tổng hợp số liệu từ Bộ Thông tin Campuchia ước tính, có ít nhất 200 nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam, 27 người Trung Quốc, 75 trường hợp đến từ Đài Loan, 85 công dân Campuchia. Cảnh sát còn thu giữ nhiều thiết bị phục vụ quá trình lừa đảo, bao gồm máy tính, hàng trăm điện thoại di động. Ngoài ra, một số báo cáo khác từ cơ quan Chính phủ Phnom Penh cũng ghi nhận có nghi phạm quốc tịch Myanmar, Bangladesh, Indonesia.
Động thái này diễn ra sau tuyên bố của Thủ tướng Campuchia – ông Hun Manet ngày 15/7, yêu cầu những thống đốc, lực lượng an ninh phải triệt phá mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Hành động cụ thể bao gồm: Đóng cửa các trang web lừa đảo, trục xuất người nước ngoài nhập cảnh trái phép và siết chặt kiểm soát sòng bạc. Theo tờ Khmer Times ngày 17/7, ông Manet cảnh báo các quan chức cấp cao sẽ bị cách chức hoặc điều chuyển, nếu không lập tức hành động. Chỉ thị nhấn mạnh, tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện là mối đe dọa an ninh ở Campuchia.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến ở Campuchia được chính quyền nước này xác định là mối đe dọa an ninh. Nguồn: Ministry of Information Banner
Vào tháng trước (6/2025), Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, viết tắt: AI) có báo cáo cho rằng, hoạt động lừa đảo qua mạng liên quan trực tiếp đến tình trạng buôn người, nô lệ, lao động trẻ em. Nguyên nhân vì người lao động dễ bị tuyển dụng vào các nhóm tội phạm lừa đảo, giam giữ rồi tra tấn nếu không đáp ứng yêu cầu công việc. AI cũng cáo buộc Chính phủ Campuchia làm ngơ trước hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong khi các băng nhóm tội phạm Trung Quốc xuất hiện tại hơn 50 khu lừa đảo trên khắp lãnh thổ Phnom Penh.
Tổ chức Ân xá Quốc tế thông tin về lừa đảo trực tuyến ở Campuchia. Nguồn: Amnesty International
Kane Nguyen