(TAP) - Mới đây, vào ngày 19/7, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam), Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia đã bàn giao 161 công dân Việt Nam (28 nữ, 133 nam) cho Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Tây Ninh sau đợt truy quét lừa đảo trực tuyến.
Theo thông tin từ Báo Tây Ninh Điện tử - cơ quan ngôn luận của Chính quyền, Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Tây Ninh, trong số 161 công dân vừa bàn giao có 14 người được giải cứu và 147 người từng bị tạm giữ do liên quan đến các đường dây lừa đảo trực tuyến. Cơ quan chức năng Việt Nam và Campuchia đã phối hợp, xác minh nhân thân các công dân và thống nhất đưa về Việt Nam cùng đợt.
Công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao. Nguồn: Báo Tây Ninh Điện tử
Những công dân này đến từ 16 tỉnh, thành Việt Nam gồm Tây Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Lai Châu, Tuyên Quang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, TP. HCM, Đồng Tháp, Lạng Sơn. Phần lớn là lao động nhập cư bất hợp pháp, bị dụ dỗ hoặc ép buộc làm việc cho các tổ chức tội phạm; với nhiệm vụ giả danh nhân viên điện lực, cán bộ thuế, an ninh mạng để lừa đảo qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Những ai không đạt "chỉ tiêu" hay chống đối sẽ bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí tra tấn bằng điện. Hiện 89 người xuất cảnh trái phép trong nhóm trên đang được Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp điều tra, xử lý theo quy định. 72 người còn lại có hộ chiếu hợp lệ được bàn giao cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh để làm rõ dấu hiệu tội phạm.
Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 45 công dân bị trục xuất khỏi Campuchia do cư trú trái phép. Nguồn: Báo Tây Ninh Điện tử
Trước đó vào ngày 16/7, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 45 công dân bị trục xuất khỏi Campuchia do cư trú trái phép. Nhiều người cũng là nạn nhân của các đường dây lừa đảo lao động với chiêu bài "việc nhẹ lương cao". Đợt bàn giao mới đây diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam tại buổi họp báo ngày 17/7, cho biết hơn 140 công dân Việt bị chính quyền Campuchia tạm giữ tại khu vực Phsar Depo 1 (quận Toul Kork, Phnom Penh) vào ngày 14/7 vì nghi vấn tham gia tội phạm mạng. Như TAP News từng thông tin, đây là một phần trong chiến dịch truy quét quy mô lớn do Chính phủ Campuchia triển khai từ ngày 27/6, sau cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Chống gian lận trực tuyến Campuchia (Cambodia Counter Fraud Committee, viết tắt: CCFC). Tính đến ngày 18/7, lực lượng chức năng Campuchia đã đột kích 45 tụ điểm, bắt giữ hơn 2.270 nghi phạm trong các đường dây lừa đảo trên khắp cả nước.
Một trong những hình ảnh bắt giữ các nghi phạm trong chiến dịch truy quét hoạt động lừa đảo qua mạng của các cơ quan chức năng Campuchia. Nguồn: Ministry of Information Banner
Các vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của tội phạm công nghệ cao hoạt động xuyên biên giới. Nhiều người lao động Việt bị dụ dỗ sang Campuchia với lời hứa công việc nhàn hạ, thu nhập hấp dẫn, nhưng thực chất lại bị cưỡng bức lao động, bóc lột, thậm chí bị ép tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo người dân cần thận trọng trước những lời mời làm việc tại nước ngoài, đặc biệt khi không rõ về hợp đồng, công ty tuyển dụng. Trong bối cảnh này, việc tăng cường phối hợp quốc tế để đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia là vô cùng cấp thiết.
Trường hợp công dân cần hỗ trợ tại Campuchia, đề nghị cung cấp thông tin cho:
Tổng đài Bảo hộ công dân (số điện thoại: +84 981 848484)
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (email: [email protected])
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (email: [email protected] hoặc [email protected]; số điện thoại: +855 977 492 430 hoặc +855 316 199 999 hoặc +855 975 717888)
Hoang Nam