(TAP) - Lượng khí Carbonic (CO2) trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục, đe dọa nghiêm trọng đến khí hậu toàn cầu. Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 19/3, nồng độ CO2 đo được trong năm 2023 lên đến 420 phần triệu (ppm), cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao nhất trong 800.000 năm qua, đẩy Trái đất vào nguy cơ nóng lên chưa từng có.
Biểu đồ nồng độ khí nhà kính Carbonic, Methane, Nitrous oxide. Nguồn: WMO
Ngoài CO2, các khí nhà kính khác cũng tăng lên mức đáng báo động bao gồm: Methane (CH4) đạt 1.923 ppb (tăng 266% so với thời kỳ tiền công nghiệp) và Nitrous oxide (N2O) lên 335,8 ppb (tăng 124%). Sự gia tăng này gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng và thúc đẩy các hiện tượng khí hậu cực đoan. Báo cáo cảnh báo rằng năm 2024 trở thành năm nóng nhất lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,55 ± 0,13 °C so với giai đoạn 1850 - 1900. Nhiều tác động của biến đổi khí hậu như băng tan và sự ấm lên của đại dương có thể kéo dài hàng trăm đến hàng nghìn năm không thể đảo ngược.
Biểu đồ sự chênh lệch nhiệt độ so với điều kiện tiền công nghiệp gia đoạn 1850 – 2024. Nguồn: WMO
Nhiệt độ toàn cầu gia tăng dẫn đến hàng loạt hiện tượng thiên tai nguy hiểm: sóng nhiệt và nắng nóng cực đoan, cháy rừng và ô nhiễm không khí, lũ lụt và hạn hán, gia tăng dịch bệnh. Trong đó, sóng nhiệt và nắng nóng cực đoan không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ nhiệt, suy tim, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Cháy rừng xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc, giải phóng khói bụi và khí CO2 vào bầu khí quyển, làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Đồng thời, lũ lụt và hạn hán ngày càng cực đoan khiến sản xuất nông nghiệp suy giảm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và nguồn nước sạch. Đáng lo ngại hơn, khí hậu nóng ẩm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết, sốt rét bùng phát mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Những tác động này đe dọa hệ sinh thái, đặt ra thách thức lớn đối với con người trong việc thích ứng, giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ngoài tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu còn góp phần gây ra bất ổn xã hội. Nhiều khu vực trên thế giới đang chứng kiến làn sóng di cư do thiên tai, xung đột khí hậu. Theo WMO, vào năm 2024, số lượng người buộc phải rời bỏ quê hương gia tăng đáng kể do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những khu vực vốn đã chịu nhiều bất ổn.
Ảnh minh họa. Nguồn: WMO
Hơn nữa, biến đổi khí hậu còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), vào năm 2023, khoảng 28,9% dân số thế giới – tương đương 2,33 tỷ người – phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Đây được xem là cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng lớn nhất trong lịch sử hiện đại với tác nhân chính là biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt, ven biển, đại dương đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Tốc độ suy thoái môi trường đang diễn ra chưa từng có làm suy giảm khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, đồng thời cản trở nỗ lực thích ứng và phục hồi của các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Báo cáo của WMO một lần nữa là lời cảnh báo mạnh mẽ: Nếu không có những hành động quyết liệt, nhân loại sẽ đối diện với hậu quả không thể cứu vãn. Việc cắt giảm khí thải nhà kính cần được thực hiện ngay lập tức, song song với các biện pháp thích ứng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo sự ổn định của xã hội. Các chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hợp tác nhằm giảm lượng phát thải, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và triển khai các giải pháp bảo vệ con người trước những tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu. Sự chậm trễ trong hành động hôm nay có thể dẫn đến thảm họa không thể đảo ngược trong tương lai.
Trang Thanh