logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

5 thói quen âm thầm gây loãng xương ở người trẻ

Ngày đăng: 3/7/2025

(TAP) - Khi nhắc đến loãng xương, nhiều người thường nghĩ là căn bệnh của tuổi già hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy loãng xương ở người trẻ đang dần phổ biến hơn bao giờ hết, phần lớn bắt nguồn từ lối sống hiện đại thiếu lành mạnh mà ít ai để tâm. Dưới đây là 5 thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại âm thầm bào mòn mật độ xương từng ngày.

5 thói quen âm thầm gây loãng xương ở người trẻ

Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ canxi, các khoáng chất trong xương khiến xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy (Ảnh minh họa)

Bạn mới ngoài 20 tuổi nhưng thường xuyên đau lưng, mỏi khớp hay dễ gặp chấn thương nhẹ khi vận động? Đừng chủ quan, những dấu hiệu đó có thể đang “cảnh báo” về tình trạng loãng xương sớm. Theo Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam, loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ canxi, các khoáng chất trong xương khiến xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy. 

Một nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Loãng xương và các Bệnh về Xương - Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho thấy mật độ xương (bone mineral density - BMD) ở cả nam và nữ đạt đỉnh ở khoảng từ 25 đến 30 tuổi. Sau ngưỡng này, nếu cơ thể không bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và thiếu vận động, mật độ xương sẽ dần giảm sút dù không có bệnh lý xương rõ ràng. Trong bối cảnh đó, việc nhận diện, điều chỉnh kịp thời các thói quen dưới đây từ sớm rất cần thiết để bảo vệ hệ xương lâu dài.

1. Bỏ bữa sáng dẫn đến cơ thể thiếu dưỡng chất nuôi dưỡng hệ xương khớp

Bữa sáng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp năng lượng và dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là các thành phần quan trọng đối với xương như canxi, vitamin D và protein. Thế nhưng, không ít bạn trẻ lại có thói quen bỏ bữa hoặc ăn qua loa với thực phẩm nhanh, thiếu cân đối. Việc này khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ “nguyên liệu” cần thiết để nuôi dưỡng, củng cố hệ xương. Về lâu dài, xương có nguy cơ suy yếu do mật độ không duy trì ổn định, dẫn đến loãng xương. Vì vậy, một bữa sáng giàu dinh dưỡng giúp khởi động ngày mới hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe xương, đặc biệt ở lứa tuổi đang phát triển.

2. Ít vận động nên xương khớp không có cơ hội phát triển

5 thói quen âm thầm gây loãng xương ở người trẻ

Thói quen ngồi nhiều, ít vận động không chỉ gây hại cho tim mạch, cân nặng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp (Ảnh minh họa)

Thói quen ngồi nhiều, ít vận động không chỉ gây hại cho tim mạch, cân nặng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp. Khi cơ thể thiếu đi những tác động cơ học thường xuyên như đi bộ, chạy bộ hay leo cầu thang, xương sẽ dần mất khả năng tái tạo, trở nên giòn, dễ gãy hơn theo thời gian. Đáng chú ý, nhóm đối tượng văn phòng, sinh viên ôn thi, người làm việc trực tuyến trong thời gian dài thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất. Để tránh loãng xương sớm, bạn hãy duy trì vận động 30 phút mỗi ngày như đi bộ, tập yoga hay nhảy dây để xương khớp chắc khỏe lâu dài. 

3. Uống quá nhiều nước ngọt, cà phê, rượu bia gây suy yếu mật độ xương một cách âm thầm

Ít ai ngờ rằng các thức uống quen thuộc như nước ngọt, cà phê hay rượu bia lại âm thầm gây hại cho hệ xương. Caffeine và axit phosphoric trong nước ngọt có ga có thể thúc đẩy quá trình thất thoát canxi, khiến xương giòn yếu. Bên cạnh đó, rượu bia làm rối loạn quá trình chuyển hóa vitamin D - yếu tố then chốt giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả. Ngoài ra, dù chế độ ăn có đầy đủ dưỡng chất, thói quen tiêu thụ 2 - 3 ly cà phê mỗi ngày hay thường xuyên uống nước ngọt, rượu bia vẫn làm suy yếu mật độ xương một cách âm thầm nhưng dai dẳng.

4. Thức khuya, thiếu ngủ kéo dài  kéo theo nguy cơ suy yếu hệ xương khớp

5 thói quen âm thầm gây loãng xương ở người trẻ

Nếu bạn thiếu ngủ hoặc rối loạn nhịp sinh học, lượng hormone này suy giảm kéo theo nguy cơ suy yếu hệ xương khớp (Ảnh minh họa)

Giấc ngủ không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà còn là “khoảng lặng” quan trọng để tái tạo, nuôi dưỡng hệ xương. Khi ngủ, cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng (GH) thúc đẩy quá trình phục hồi mô xương, duy trì mật độ xương ổn định. Vì vậy, nếu bạn thiếu ngủ hoặc rối loạn nhịp sinh học, lượng hormone này suy giảm kéo theo nguy cơ suy yếu hệ xương khớp. Để bảo vệ sức khỏe xương, người trưởng thành nên ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và ưu tiên đi ngủ trước 23h để các chức năng được phục hồi tốt nhất.

5. Hút thuốc lá và căng thẳng kéo dài (stress) kích hoạt cơ chế phân hủy, làm xương yếu đi

Ngoài gây ảnh hưởng đến tim mạch hay thần kinh, thói quen thuốc lá và stress cũng đang thầm lặng hủy hoại hệ xương khớp. Nicotine trong thuốc lá cản trở quá trình hấp thụ canxi đồng thời tác động tiêu cực đến cấu trúc xương. Mặt khác, khi cơ thể rơi vào trạng thái stress kéo dài, nồng độ hormone cortisol tăng cao liên tục, kích hoạt cơ chế phân hủy xương làm xương dần suy yếu mà khó nhận biết ngay. Từ bỏ thuốc lá và tìm cách kiểm soát căng thẳng (qua thiền, thể thao, nghỉ ngơi hợp lý) sẽ giúp bảo vệ sức khỏe xương lẫn tinh thần.

5 thói quen âm thầm gây loãng xương ở người trẻ

Tuổi trẻ là thời điểm lý tưởng để xây nền móng vững chắc cho hệ xương (Ảnh minh họa)

Tuổi trẻ là thời điểm lý tưởng để xây nền móng vững chắc cho hệ xương. Đừng để đến thời điểm bước vào độ tuổi 40, bạn mới bắt đầu lo lắng vì cơn đau nhức hoặc nguy cơ gãy xương dễ dàng. Hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay để bảo vệ sức khỏe của bạn. 

Hoang Nam

Loading comments...

Bài viết liên quan