(TAP) - Liên quan đến việc Việt Nam đệ trình báo cáo lên LHQ để xác định phạm vi thềm lục địa của chính quyền Hà Nội tại Biển Đông, phía Bắc Kinh bỗng lên tiếng phản đối.
Theo thông tin Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt: VCCI) đăng tải ngày 19/7 (giờ Hà Nội), trước đó vào ngày 17/7, phái đoàn ngoại giao Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ “Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông” (gọi tắt là đệ trình) lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (UN Commission for Limits of the Continental Shelf, viết tắt: UNCLCS).
Hoạt động trên diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ) do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ - ông Đặng Hoàng Giang cùng Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - ông Trịnh Đức Hải làm dẫn đoàn.
Phái đoàn Việt Nam tại trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ (Nguồn: Vietnam Chamber of Commerce and Industry)
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, việc nộp đệ trình nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trong đó có Việt Nam, theo quy định tại Điều 76 của UNCLOS.
Cụ thể, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý (tính từ đường cơ sở) để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia đó cần nộp hồ sơ đệ trình về UNCLCS để được xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng.
Cũng theo thông tin từ VCCI, “Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông” là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Trước đó vào tháng 5/2009, chính quyền Hà Nội từng nộp “Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông” và sau đó là “Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông”.
Trong hồ sơ trình bày, Việt Nam nhiều lần khẳng định việc nộp đệ trình chứng minh phạm vi thềm lục địa mở rộng không ảnh hưởng đến quá trình phân định biển với các nước ven biển liên quan, tuy nhiên, điều này không nhận được sự đồng tình từ Bắc Kinh
Nguồn tin từ Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (State Council Information Office) Trung Quốc đăng tải ngày 19/7 (giờ Bắc Kinh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Ministry of Foreign Affairs of the Republic of China) - ông Lâm Kiến (Lin Jian) cho biết, nước này kiên quyết phản đối Việt Nam đệ trình chủ quyền thềm lục địa ở Biển Đông.
Trung Quốc phản đối Việt Nam đệ trình chủ quyền thềm lục địa ở Biển Đông (Nguồn: State Council Information Office)
Phía Trung Quốc cho rằng, yêu sách xác định phạm vi trong đơn đệ trình có đề cập đến một phần quần đảo Nam Sa (theo cách gọi của nước này), tức vị trí trùng với quần đảo Trường Sa thuộc sở hữu của Việt Nam (theo quy định của luật pháp quốc tế).
Phát ngôn viên đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, điều này xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của đất nước tỷ dân. Đồng thời, đi ngược lại thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo giải quyết vấn đề liên quan đến biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc cùng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN) đã ký kết.
Mặc dù lên tiếng phản đối, song chính quyền Bắc Kinh lại là bên thường xuyên bị quốc tế lên án khi có những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Một tháng trước (19/6), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cùng người đồng cấp Philippines - ông Enrique A. Manalo đã lên tiếng chỉ trích hành động gây hấn của của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ mà các quốc gia có đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương như Australia, Canada và Nhật Bản cũng nhiều lần phản đối trước hành vi cản trợ tự do hàng hải và hàng không của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hoa Kỳ từng lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (Nguồn: State Council Information Office)
Kane Nguyen
Bình luận