(TAP) - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ vừa kết thúc chuyến đi đến Bắc Kinh, gặp gỡ các giới chức cấp cao phía Trung Quốc. Họp báo trước truyền thông gần đây, đặc phái viên ngoại giao của Washington, D.C đã thông tin về một số nội dung trao đổi và quan điểm của đôi bên.
Như TAP News từng đưa tin, từ ngày 27 - 29/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - ông Jake Sullivan đã có chuyến đi đến Trung Quốc và gặp gỡ một số quan chức cấp cao nước này, đặc biệt là người đồng cấp - Ngoại trưởng Vương Nghị và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo thông tin đăng tải bởi Nhà Trắng ngày 29/8, cuộc gặp giữa ông Sullivan và lãnh đạo tối cao của chính quyền Bắc Kinh là một phần trong những nỗ lực duy trì các kênh liên lạc và quản lý có trách nhiệm mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Cũng theo Nhà Trắng, đôi bên đã cùng nhau thảo luận về việc thực hiện các cam kết được người đứng đầu hai nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Woodside vào tháng 11/2023. Bao gồm: Chống ma túy, liên lạc quân sự với quân đội và an toàn và rủi ro trí tuệ nhân tạo (AI).
Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng tham gia thảo luận về các vấn đề xuyên eo biển, cuộc chiến Nga - Ukraine và Biển Đông. Các bên đều hoan nghênh nỗ lực duy trì các kênh liên lạc mở, đồng thời tiết lộ về một cuộc gọi trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Về phía chính quyền Bắc Kinh, Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (The State Council of the People's Republic of China) cùng ngày trích dẫn tuyên bố của ông Tập Cận Bình cho rằng, trong thế giới biến động và hỗn loạn như hiện nay, các quốc gia cần đoàn kết và phối hợp, không phải chia rẽ hay đối đầu.
Liên quan đến câu hỏi “Trung Quốc và Hoa Kỳ là đối thủ hay đối tác?”, lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh cho biết, chính sách đối ngoại của nước này là cởi mở, minh bạch, tập trung vào việc quản lý vấn đề nội bộ và tiếp tục đào sâu cải cách toàn diện để phát triển hơn nữa chế độ chủ nghĩa xã hội.
Trong khi thực hiện quá trình phát triển riêng, Trung Quốc nói rằng vẫn sẵn sàng hợp tác với các nước khác để cùng phát triển và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại.
Theo Bộ Ngoại giao (Ministry of Foreign Affairs) Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh đối với Washington, D.C luôn nhất quán, cam kết ổn định, lành mạnh và bền vững. Nguyên tắc xử lý mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác có lợi, không thay đổi lập trường bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Trung Quốc tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận Trung Quốc và sự phát triển của nước này theo hướng tích cực, coi sự phát triển của nhau là cơ hội, không phải thách thức; hợp tác với Bắc Kinh để tìm ra con đường hòa hợp đúng đắn; đạt được phát triển chung và nỗ lực cải thiện, duy trì sự ổn định, ngày càng tiến xa trong mối quan hệ.
Cơ quan ngoại giao Bắc Kinh cũng trích dẫn phát biểu phản hồi của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nhắc lại, Hoa Kỳ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, không thay đổi thể chế của Trung Quốc cũng như các liên minh của Washington, D.C. không nhằm chống lại Bắc Kinh.
Toàn cảnh cuộc gặp giữa đặc phái viên ngoại giao phía Washington, D.C với các nhà lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Cụ thể hơn về quan điểm các bên đối với vấn đề cùng quan tâm, trong buổi họp báo cùng ngày sau cuộc gặp, ông Sullivan cho biết, chuyến đi đến Trung Quốc là một phần trong nỗ lực quản lý mối quan hệ song phương trước lễ nhậm chức của Tổng thống mới vào tháng 1 năm sau.
Cũng giống như Hoa Kỳ đã viện dẫn mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với công nghệ nhập khẩu Trung Quốc, đại diện đất nước tỷ dân cũng nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ an ninh kinh tế và nhắc đến các hạn chế nhập khẩu nước này đang phải đối mặt.
Truyền thông trong nước (NBC News) tiết lộ, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ cũng thảo luận với đối phương về tác động của vấn đề thừa mứa năng lực sản xuất công nghiệp Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi cung ứng tại phương Tây.
Ghi nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại đây phàn nàn về các quy định và chế độ ưu đãi dành cho các công ty nội địa gây ra sự bất cân bằng trong cạnh tranh lành mạnh. Điển hình như trợ cấp từ Chính phủ khiến doanh nghiệp quốc doanh có thể bán với giá thấp hơn.
Peter Ngoc
Bình luận